Cuộc sống mới ở Ea Siên
Khi mặt trời vừa ló dạng, khu vực trung tâm xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) đã bừng lên sinh khí của một ngày mới. Trên các ngả đường, người vào nương rẫy, người buôn bán, học sinh nô nức đến trường nhộn nhịp, huyên náo. Ngày mới ở Ea Siên bây giờ là thế, không còn cảnh hoang vu, đìu hiu một thuở.
Thời gian khó chưa xa
Một thời chưa xa, khi nhắc đến Ea Siên, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó; người dân quanh năm phải oằn mình lo miếng cơm manh áo mà nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn rẫy nương, mùa nối mùa đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Siên Chu Văn Thành nhớ lại, xã được thành lập năm 1992 gồm hơn 50 hộ dân người Tày, Nùng từ Lạng Sơn, Cao Bằng vào và toàn bộ buôn Dlung của xã Thống Nhất hợp lại, tổng cộng khoảng 300 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk khi ấy.
Không thể kể hết những vất vả, gian truân mà Ea Siên lúc đó phải trải qua. Khi ấy người dân mỗi năm chỉ kiếm được dăm ba tạ bắp, vài chục ký đậu, nuôi vài con gà đủ sống qua ngày. Hẳn nhiều người ở vùng đất khó này còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn lo miếng ăn qua ngày, nhớ lúc vượt núi khe ngược xuôi kiếm kế sinh nhai và cả những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt…
Những năm qua, bắt nhịp cùng dòng chảy đổi mới, tiếp nối thành quả của nhiều thế hệ, đội ngũ lãnh đạo xã ở đây đã biết lo trước nghĩ sau, bám sát chỉ đạo của thị xã, tỉnh, vận dụng thực tiễn tìm đường hướng, cách làm với quyết tâm, vượt khó để dựng xây, kiến thiết quê hương.
Người dân giao lưu, vui chơi tại Lễ hội Hảng Pồ năm 2024. Ảnh: Thúy Hồng |
Thành quả từ đồng lòng, dốc sức
Trở lại Ea Siên hôm nay dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện. Ấn tượng nhất là kinh tế tăng trưởng, hạ tầng kết nối, nông thôn khởi sắc. Đảng bộ và hệ thống chính trị biết kiến tạo, linh hoạt, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển; khơi thông, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, "nút thắt", đi lên trong tâm thế vững vàng, tự tin.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Siên Nguyễn Văn Minh vốn trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được hỏi về bước đi, cách làm của địa phương thì hào hứng, sôi nổi hẳn. Ông khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Ea Siên không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, cố kết cộng đồng, đoàn kết để khi gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Cũng theo ông Minh, cùng với đoàn kết là dân chủ phải được thực hiện đầy đủ ở cơ sở, đồng thời mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân. Bởi thế, từ trong gian khó, những người dân bản địa cùng với người dân từ muôn phương về lập nghiệp nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên Nông Văn Lâm, kinh tế của xã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai toàn diện, đồng bộ, đã đạt 13/19 tiêu chí NTM nâng cao. Đến nay, toàn xã có 96,7% tuyến đường trục xã được cứng hóa; trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 8/8 buôn đạt danh hiệu văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,7 triệu đồng/năm. Hệ thống chính trị của xã ngày càng được củng cố kiện toàn, an ninh - quốc phòng bảo đảm, giữ vững ổn định; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa giành nhiều thành tựu, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Dọc đường vào trung tâm xã Ea Siên, hiển hiện những thửa ruộng lúa nước xanh mơn mởn, những lô cà phê, cây trái bạt ngàn, xanh thẳm nằm xen những ngôi nhà xây bề thế, kiên cố liền kề nhau, nhà nào cũng có sân xi măng rộng để phơi cà phê, đậu, bắp...
Cùng với phát triển kinh tế, bà con chú trọng bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chị Chu Thị Ly, công chức UBND xã Ea Siên cho biết, các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã được khôi phục. Bà con người Tày, Nùng quê gốc ở Lạng Sơn, Cao Bằng duy trì các lễ hội như: Tết Thanh minh, Rằm tháng Bảy… Đặc biệt là Lễ hội Hảng Pồ (chợ + đồi = chợ trên đồi) được tổ chức vào ngày 28 đến 30 tháng Giêng hằng năm với những nét đặc sắc thu hút đông đảo du khách thập phương.
Nguyễn Văn Chiến
Ý kiến bạn đọc