Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số lan toả thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Với nghị lực và luôn sáng tạo trong cách nghĩ, việc làm, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Buôn Đôn không chỉ vươn lên trong cuộc sống mà còn "truyền động lực", cùng giúp nhau thoát nghèo.
Chi hội trưởng năng nổ
Chị H Nụ Bu Đăm, dân tộc Ê đê, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ buôn Ea Rông (xã Krông Na) có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào phụ nữ địa phương.
Với vai trò chi hội trưởng phụ nữ, chị H Nụ luôn quan tâm đến công tác tập hợp, đoàn kết hội viên phụ nữ. Chị thường xuyên sâu sát, chia sẻ, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ trong buôn; tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội; vận động hội viên phụ nữ không nghe theo lời kẻ xấu, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo trái phép. Đặc biệt đẩy mạnh thành lập mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”, qua đó tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) bỏ các hủ tục, nâng cao công tác bình đẳng giới, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững...
Đồng thời, phát động chị, em trong buôn chung tay xây dựng nông thôn mới; đổi ngày công giúp đỡ gia đình hội viên khó khăn; vận động chị em đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống…
Chị H Nụ cho biết: buôn Ea Rông có 45 hộ hội viên vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế với tổng dư nợ gần 1 tỉ đồng. Để sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, chị khuyến khích hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng sắn, chăn nuôi heo bò...
Chị H Nụ Bu Đăm, Chi hội trưởng Chi hội buôn Ea Rông. |
Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào, hoạt động của hội phụ nữ, chị H Nụ là một trong những hội viên phụ nữ của xã Krông Na tiên phong xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng.
Năm 2018, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Buôn Đôn trao nguồn vốn 20 triệu đồng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị H Nụ xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp trồng ngô, chăn nuôi heo rừng lai.
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, chủ yếu là chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên lợi nhuận chưa nhiều. Vừa làm, vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, chị H Nụ tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức nhằm nâng cao kiến thức chăn nuôi có hiệu quả.
Năm 2020, khi đã có nguồn vốn tích cóp được từ chăn nuôi, chị H Nụ mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Buôn Đôn đào ao nuôi cá. “Tôi rất sợ khi vay vốn, nhưng phải nợ thì mới có động lực để làm ăn, cố gắng phát triển kinh tế gia đình", chị H Nụ nói.
Đến nay, sau 6 năm, từ một mô hình chăn nuôi tổng hợp ban đầu, gia đình chị H Nụ đã xây dựng cơ bản mô hình vườn, ao, chuồng trên diện tích gần 2 ha (gồm: ao cá 400 m2, 20 con heo rừng lai, 6 con bò, 1 ha điều trồng xen canh ngô, sắn...). Năm 2024, thu nhập của gia đình chị H Nụ đạt khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí.
Vượt khó vươn lên
Ở thôn 7 (xã Tân Hòa), chị Nông Thị Anh, dân tộc Tày là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Năm 1989, mới 11 tuổi, chị Anh theo gia đình từ tỉnh Cao Bằng vào định cư tại xã Tân Hòa. Năm 2003, chị lập gia đình và được bố, mẹ cho gần 1 ha đất sản xuất. Cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ phát triển sản xuất, biết vun vén, vợ chồng chị Anh lại có vốn mua thêm 2 ha đất mở rộng diện tích trồng cà phê, tiêu. Hai đứa con của vợ chồng chị Anh lần lượt thi đậu vào các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhưng biến cố bất ngờ ập đến, năm 2016, chị Anh vừa sinh bé thứ 3, cũng là lúc chồng chị lâm bệnh. Căn bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy thận khiến sức khoẻ chồng chị Anh giảm sút không cáng đáng nổi việc chăm sóc 3 ha điều, cà phê, tiêu. Thời điểm đó, giá cà phê, tiêu xuống thấp, lại không có người chăm sóc nên hơn 2 ha tiêu, cà phê đều chết.
Chính hoàn cảnh đã khiến con người chị Anh ngày càng nghị lực và kiên cường hơn. Nhanh chóng sốc lại tinh thần, chị Anh để con nhỏ lại cho chồng chăm sóc, đến tỉnh Đắk Nông thuê đất trồng tiêu, nhưng rồi cũng thất bại vì tiêu chết do bệnh dịch.
Chị Nông Thị Anh (áo dài) cùng nhóm “Phụ nữ DTTS trồng cây xen canh” tham gia Giải bóng đá chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 của xã Tân Hòa. |
Trở lại xã Tân Hòa, chị Anh chuyên tâm chăm sóc 1 ha điều, chăn nuôi heo “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2023, trong một lần được Hội LHPN huyện tổ chức tham quan học tập các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở xã Cuôr Knia. Nhận thấy cơ hội, chị Anh tìm hiểu kỹ quá trình chăm sóc, các loại bệnh trên con tằm, nguồn cung cấp giống tằm và nơi tiêu thụ…; rồi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Buôn Đôn đầu tư trồng 1 ha dâu và 500 gốc cà phê. Đến nay mỗi lứa tằm (15 ngày chăm sóc) thu từ 50 - 70 kg kén, với giá bán từ 150 - 205 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, chị Anh có lợi nhuận gần 5 triệu đồng. Nhờ đó, mà cuộc sống của vợ chồng chị Anh cũng trở nên khấm khá hơn trước.
Chị Anh là trưởng nhóm “Phụ nữ DTTS trồng cây xen canh” do chị thành lập từ năm 2021. Ban đầu nhóm được lập ra vì các chị em là đồng hương (tỉnh Cao Bằng) nhằm chia sẻ những vui, buồn lúc khốn khó. Nhưng cuộc sống của các thành viên ai cũng vất vả, do đó mỗi khi có mô hình hay, cách làm tốt về phát triển kinh tế, chị Anh lại học hỏi, rồi sau đó chia sẻ và động viên các chị em trong nhóm áp dụng, nhất là việc trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao trên cùng 1 diện tích đất nhằm tạo ra nhiều nguồn thu khác nhau.
Năm 2021, chị Anh đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Buôn Đôn để hỗ trợ thành viên Nông Thị Phương có nguồn vốn tái canh cây cà phê và tiêu. Nhờ sự hỗ trợ này, giữa năm 2024 vừa qua, gia đình chị Phương đã xây được căn nhà mới hơn 500 triệu đồng. Hiện, tuy chưa phải là các hộ khá giả của xã, nhưng thành viên trong nhóm đều có mức thu nhập bình quân 70 - 130 triệu đồng/năm.
Hội LHPN huyện Buôn Đôn trao mô hình sinh kế "bò sinh sản" cho hội viên phụ nữ khó khăn xã Ea Huar. |
Chị H Nụ Bu Đăm và Nông Thị Anh là hai trong rất nhiều hội viên phụ nữ huyện Buôn Đôn mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm, là minh chứng thuyết phục khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên đầu tư, phát triển kinh tế. Từ đó, đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững, tạo tiền đề chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, khơi dậy khát vọng vươn lên của phụ nữ DTTS vùng biên.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc