Phát huy nguồn lực từ các tổ chức tôn giáo
Với hơn 600.000 tín đồ, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng ngày càng phát triển.
Chức sắc, chức việc cùng các tín đồ tôn giáo đã và đang chung sức cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa và đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột. Ảnh: L.Thành |
Nổi bật trong công tác an sinh xã hội, các tổ chức Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã đề cao tinh thần từ bi, bác ái, chung tay san sẻ với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chỉ riêng trong năm 2024, các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng. Thượng tọa Thích Trí Nghĩa, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, nhiều hoạt động được các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh duy trì thường xuyên, liên tục như bếp cơm từ thiện tại các bệnh viện, quỹ khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo... Bên cạnh đó, các tín đồ Phật tử còn tích cực chung tay hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn đột xuất do tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai, mắc bệnh hiểm nghèo... lan tỏa những hành động đẹp, những nghĩa cử nhân văn.
Trong công tác xã hội hóa giáo dục, các tôn giáo cũng đã đồng hành bằng các mô hình hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuân thủ theo quy định của Nhà nước và phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh chia sẻ, các tổ chức Công giáo trên địa bàn tỉnh đang duy trì hiệu quả gần 30 trường tư thục ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Tiêu biểu có thể kể đến như Trường Mầm non Họa Mi của các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Trường Mầm non Hoa Cúc của các nữ tu Dòng Vinh Sơn, Trường Mầm non Thanh Tâm của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô… Các cơ sở giáo dục do tổ chức Công giáo phụ trách đã thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất trường học cũng như không ngừng đổi mới, đa dạng phương pháp giảng dạy, truyền đạt, được ngành giáo dục đánh giá cao. Giáo phận Buôn Ma Thuột còn thực hiện hiệu quả các mô hình giáo dục cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Trường tình thương Vinh Sơn, cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân, lớp học dành cho trẻ mắc hội chứng Down… Các mô hình giáo dục đặc thù này đã áp dụng những phương pháp dạy riêng biệt nhằm trao cơ hội cho trẻ em thiếu may mắn được học tập, phát huy tiềm năng, đạt được những tiến bộ trong tiếp thu, nhận thức.
Đại đức Thích Minh Đăng, Trụ trì Chùa Hoa Nghiêm tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar). |
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng là những hạt nhân tích cực trong phong trào bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Mục sư Y Tuân Mlô, Trưởng Ban đại diện Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết, bản thân ông và các chức sắc Tin Lành luôn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện hòa giải ở cơ sở trong những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai…
Trong sinh hoạt tôn giáo, các chức sắc, chức việc cũng tích cực động viên giáo dân thi đua lao động, sản xuất; góp sức xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bằng cách mặc trang phục truyền thống, đọc Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu…
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc