Cần sớm chấn chỉnh hoạt động câu lạc bộ có thu tiền trong các trường tiểu học
Câu lạc bộ là hoạt động tự nguyện ngoài giờ học chính khóa nhằm tạo sân chơi, môi trường cho học sinh rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu, góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều trường tiểu học công lập, việc tổ chức dạy và học câu lạc bộ (CLB) dường như chỉ là "vỏ bọc" để trường tổ chức dạy thêm có thu phí.
Gần 3 năm trước, khi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi xin ý kiến phụ huynh về việc tổ chức học CLB sau giờ học chính khóa từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần. Giáo viên chủ nhiệm trình bày rằng nhà trường sẽ tổ chức CLB để phát triển năng khiếu, rèn thêm kỹ năng, để học sinh vừa chơi vừa học. Trường sẽ phối hợp với các trung tâm để đưa các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao… vào giờ học CLB và học sinh được lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường. Trước sự thuyết phục của giáo viên chủ nhiệm, hầu hết phụ huynh đã ký vào danh sách đồng ý tổ chức CLB với mức phí 30.000 đồng/môn (120.000 đồng/tháng)
Sau cuộc họp phụ huynh, nhà trường tổ chức ngay giờ học CLB. Nhưng trái với kỳ vọng, các môn học CLB lại là các môn chính khóa bao gồm: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học và được tổ chức ngay tại phòng học, do chính giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của trường phụ trách, không hề có sự lựa chọn, chọn lọc theo sở trường, năng khiếu. Để sắp xếp giờ học cho môn học CLB, chỉ trong vòng một tháng đầu tiên, nhà trường đã đổi thời khóa biểu đến ba lần với giờ vào lớp buổi chiều sớm hơn, giờ ra chơi cũng ít hơn.
![]() |
Một hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) cùng thực hiện. |
Không chỉ gây xáo trộn về thời gian, giờ học, các phụ huynh không cho con tham gia CLB phải đối diện với một phiền toái khác do nhà trường đặt ra, đó là phải đến tận lớp đón con ngay trước tiết học CLB, không để các cháu tự đi xuống sân trường cũng không được làm ồn gây ảnh hưởng đến giờ học CLB. Sau một thời gian ngắn cảm thấy không phù hợp, nhiều phụ huynh gặp Ban giám hiệu xin không học CLB cũng phải chịu những lời lẽ khó nghe. CLB cứ thế vận hành trong sự "ấm ức" của phụ huynh.
Cũng từ sau năm học ấy, thời khóa biểu CLB được ấn định trong lịch học, tất cả học sinh đều nằm trong danh sách học CLB, ai không muốn học phải làm đơn, gửi Ban giám hiệu. Học phí cũng tăng lên 40.000 đồng/môn, thu đủ cho 9 tháng…
Qua tìm hiểu, nhiều trường tiểu học công lập tại TP. Buôn Ma Thuột cũng tổ chức học CLB và hình thức tổ chức không khác gì trường hợp tôi vừa nêu. Thậm chí, có trường chỉ tổ chức hai môn học CLB là Toán và Tiếng Việt. Nội dung dạy học được trao đổi thẳng với phụ huynh là rèn lại kiến thức để các em nắm chắc hơn. Hiệu quả của các tiết học CLB cũng không hề có cách thức đánh giá, theo dõi, giám sát nào. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người đã gọi thẳng hình thức học CLB là “dạy thêm, học thêm trá hình” và việc cho con em mình học CLB âu cũng chỉ là “dĩ hòa vi quý” mà thôi!
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 nêu rõ: "không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống". Quy định này cho thấy quan điểm rõ ràng trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm bảo đảm quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh; tránh những “biến tướng” của dạy thêm, học thêm; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo. Sau một tuần Thông tư số 29 có hiệu lực, nhiều trường học, giáo viên đã dừng việc dạy thêm, học thêm không bảo đảm quy định. Tuy nhiên, hình thức học CLB có thu phí vẫn được các trường tiểu học công lập duy trì theo nội dung, thời lượng như cũ.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm Thông tư số 29, đã đến lúc ngành giáo dục – đào tạo cần kiểm tra, đánh giá hoạt động CLB có thu phí tại các trường tiểu học công lập sao cho CLB phải thực sự là nơi bồi dưỡng phát triển năng khiếu và kỹ năng sống của học sinh chứ không phải để rèn lại kiến thức các môn chính khóa. Việc tham gia CLB phải có sự chọn lọc theo sở thích, sở trường của học sinh, theo đúng tinh thần tự nguyện, không tạo thêm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Quan trọng không kém là phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch về nội dung, phương pháp, quản lý sử dụng kinh phí để phụ huynh thực sự nắm rõ thông tin, đánh giá hiệu quả, lựa chọn cách thức phù hợp để bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng cho con em mình.
Mong rằng, hình thức học CLB sẽ sớm được trả về đúng ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc