Lò gốm vẫn đỏ lửa bên bờ sông Kôn
Rất nhiều làng gốm ở Nam Trung Bộ đã đóng lò. Thế nhưng làng đất nung Nhạn Tháp - Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) vẫn đỏ lửa mỗi ngày bên bờ sông Kôn…
Xóm lò đất
Đến làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn, điều dễ thấy đầu tiên là sự chuyên cần của người dân trong từng thôn xóm và mỗi vùng sống bằng một nghề chuyên biệt. Những sản phẩm như nồi đất, chậu đất, ấm đất, lò đất… ngày ngày vẫn ra lò và được đưa đến nhiều tỉnh thành trong nước.
Ngoài thị trường cũ như Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên, gốm đất nung ở đây còn vươn đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Kiên Giang ở phía Nam; ra đến Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc...
![]() |
Bếp đất nung vừa ra lò ở làng nghề Nhạn Tháp - Vân Sơn. |
Cơ sở làm lò đất (bếp gốm) của gia đình chị Cù Thị Nga (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu) đang có 5 lao động. Hằng ngày, nhân công ở đây luôn tay với các công đoạn như làm cốt lò, nặn chỉnh dáng, phơi khô và đưa vào lò nung. Dù phương tiện bếp hiện đã thay đổi nhiều nhưng sản phẩm lò đất Vân Sơn vẫn đang được tiêu thụ khá ổn định, hàng trăm lò đất được xuất xưởng mỗi ngày, tỏa đi khắp nước.
Qua thời gian, những chiếc lò đất dung dị cũng được thay đổi kiểu dáng theo từng yêu cầu công năng của người tiêu dùng. Trước đây, chiếc lò chỉ toàn đất nung nhưng hiện đã được bọc tôn bên ngoài nhằm làm tăng độ bền và thẩm mỹ cho chiếc lò gốm đất. Các đại lý hiện thu mua lò đất nung (tùy kích cỡ) với giá vài chục nghìn đồng/cái. Khi đến nhiều vùng xa, mỗi chiếc lò này có thể được nâng giá lên hàng trăm nghìn đồng.
Theo ông Cù Văn Thanh (thôn Nhạn Tháp), làng gốm này hiện còn trên 30 hộ tham gia làm nghề, “đất nung” là nguồn chính của gia đình. Hai thôn Vân Sơn và Bắc Nhạn Tháp hiện có trên 100 lao động chuyên gia công gốm cho những hộ gia đình trong làng. Họ là những lao động thiếu vốn hoặc không có mặt bằng để sản xuất. Hằng ngày cứ 2 - 3 người thợ lập thành một nhóm đi làm công cho những cơ sở sản xuất gốm tại địa phương. So với các ngành nghề khác trong vùng, công việc của người thợ gốm khá ổn định lại không quá nặng nhọc.
Nhạy bén với đơn hàng
Theo chị Cù Thị Nga, nghề gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn luôn phát triển đa dạng các mặt hàng. “Trước đây khoảng 20 năm, gia đình tôi tưởng đã bỏ nghề, vì ít được đặt hàng. Thế nhưng nhờ sự thông tin kết nối từ một số đầu mối, tôi biết thói quen dùng sản phẩm gốm đang trở lại. Họ có những đơn hàng yêu cầu làm rất khác kiểu truyền thống và chúng tôi cố gắng làm hoàn chỉnh. Vậy là lò gốm lại đỏ lửa!”, chị Nga cười.
![]() |
Xe đạp đi giao sản phẩm lò đất ở Nhơn Hậu. |
Lò gốm của ông Cù Văn Sinh (ở thôn Vân Sơn) đều đặn mỗi tháng sản xuất khoảng 5.000 sản phẩm các loại, cung cấp chủ yếu cho các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài hai lao động chính trong gia đình, cơ sở sản xuất gốm của ông Sinh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 thợ gốm địa phương. “Làng gốm bây giờ liên tục “truy cập” thị trường. Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến khách hàng sau mỗi đợt xuất sản phẩm. Nếu có điểm nào không vừa ý, chúng tôi chỉnh sửa ngay. Lực lượng nghệ nhân ở đây luôn phải năng động thực hiện tối đa các yêu cầu mẫu mã, kể cả những đơn hàng gốm mỹ nghệ, xây dựng rất phức tạp. Nhạy bén như vậy mới trụ được với nghề chớ!”, ông Sinh nói.
Cùng với việc phục hồi làng nghề, chính quyền địa phương luôn có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ vốn và kỹ thuật để người dân phát triển tay nghề, tăng thu nhập. Đó là việc hướng mạnh vào sản xuất gốm mỹ nghệ đất nung; tiếp đến là xây dựng làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn thành một trong những điểm tham quan độc đáo cho du khách đến vùng đất trăm nghề An Nhơn, Bình Định.
Đào Đức
Ý kiến bạn đọc