Ngày xuân nói chuyện trồng cây
Những ngày đầu xuân, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang lại sôi nổi phát động phong trào trồng cây.
Khi nhìn ra thế giới, có thể thấy rằng nhiều quốc gia đã làm rất tốt trong việc trồng cây gây rừng. Ở Hàn Quốc, người chặt một cây rừng bắt buộc phải trồng lại mười cây. Quy định nghiêm khắc này đã góp phần giúp Hàn Quốc ngày nay trở thành một trong những quốc gia xanh sạch nhất thế giới. Còn tại Úc, những cánh rừng nguyên sinh và rừng trồng được bảo vệ bằng cách khai thác khoa học. Họ khai thác rừng theo dải, mỗi khu vực đều có kế hoạch phục hồi cây xanh ngay sau đó, bảo đảm không gây ra sạt lở đất.
![]() |
Bảo tàng Đắk Lắk nằm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại rợp bóng cây xanh cổ thụ, rất đa dạng về chủng loại. Ảnh: Hữu Nguyên |
Cây cối là phần quan trọng trong việc duy trì ổn định môi trường. Rễ cây bám chặt vào đất như những "mảng cốt thép" khổng lồ đan xen, giúp giữ đất, chống bị xói mòn và sạt lở. Vì vậy, khi chặt đi những cây xanh lớn sẽ tạo ra những "túi nước" khổng lồ trong lòng đất bởi những mảng rễ khi cây còn sống là “mảng cốt thép” nay lại trở thành các “ống đựng nước” nằm trong lòng đất; đến khi mưa nước tích tụ đầy, những "túi nước" này trở thành những "đống bùn nhão" gây sạt lở cả một quả đồi.
Thời gian qua, mỗi khi trời mưa kéo dài, nhiều vùng ở nước ta phải đối diện với nguy cơ sạt lở. Điều này phần lớn do việc khai thác rừng quá mức. Khi mùa mưa đến, những khu vực bị phá rừng thường xảy ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và sinh thái.
Đắk Lắk là vùng đất màu mỡ, thuận lợi để duy trì, phát triển những cánh rừng rộng lớn. Song song với việc bảo vệ rừng, cần đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây đúng chuẩn khoa học (trồng các loại cây có tuổi thọ cao, trồng khi cây còn nhỏ để bám rễ trong lòng đất bền vững, tránh trồng cây đã cao lớn…). Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, việc trồng cây ở Đắk Lắk có thể tiến hành quanh năm chứ không chỉ tập trung vào một mùa hay một thời điểm.
Ai cũng biết đến giá trị to lớn của rừng. Ngày nay, ngoài tác dụng bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, cung cấp những nguồn tài nguyên to lớn về lâm thổ sản, rừng còn cho một nguồn tài nguyên phi vật chất có giá trị cao là tín chỉ carbon.
Vì vậy, hãy luôn tâm niệm lời dặn của Bác về trồng cây gây rừng. Một điều cần chú ý là trồng những cây có tuổi thọ cao và chắc như sao, trắc, lim, lát để dần thay đổi những cánh rừng keo, hoặc là trồng xen kẽ theo dải cây để “lấy ngắn nuôi dài”, hướng đến tầm nhìn 50 năm, 100 năm sau không có sạt lở đất và lũ ống, lũ quét…
Lê Văn Vượng
Ý kiến bạn đọc