Multimedia Đọc Báo in

Ngôi nhà kết nối yêu thương

05:10, 23/02/2025

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi đã có một chuyến đi ý nghĩa đến với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).

Đây là một trong những cơ sở nuôi dạy trẻ em nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và trẻ em bất hạnh thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng.

Hiện cơ sở đang chăm sóc 60 nạn nhân da cam, từ 7 - 30 tuổi. Đây không chỉ là nơi chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho những NNCĐDC, trẻ khuyết tật mà còn là nơi gieo hy vọng, tiếp thêm ý chí, nghị lực để các em vươn lên hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Đúng như tên gọi của mình, những năm qua, trung tâm đã trở thành mái ấm cho những NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn; và đặc biệt hơn hết là nơi kết nối yêu thương, quy tụ những con người có "tấm lòng vàng" cùng chung tay chăm sóc, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.

Nhóm Hướng thiện Đà Nẵng và các thầy giáo dạy nghề tại Xưởng sản xuất hương của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng.

Sau khi tham quan một vòng quanh trung tâm, tại Xưởng sản xuất hương quế, chúng tôi được giới thiệu với một người thầy giáo đặc biệt: Nguyễn Ngọc Phương. Năm nay 38 tuổi, là con của một thương binh nghèo, anh Phương cũng là một trong những người chịu ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam với chiều cao chỉ 95 cm, nặng 20 kg. Với ý chí kiên cường và tinh thần vượt khó, anh Phương từ Quảng Nam đến Đà Nẵng học tập và mưu sinh nhiều năm qua. Anh là một trong những tình nguyện viên năng nổ tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đà Nẵng; đến năm 2008, anh được hội tuyển dụng làm nhân viên xã hội và bố trí đảm nhiệm hướng dẫn kỹ thuật làm hương quế tại trung tâm.

Bằng tất cả nghị lực, tính cách tỉ mẩn và chịu khó tiếp cận công nghệ thông tin, anh Phương tìm ra nhiều phương pháp pha chế nguyên liệu hiệu quả thuận lợi, rồi hướng dẫn cho các trẻ em nạn nhân da cam làm thành nhiều loại sản phẩm. Tùy theo đặc điểm khuyết tật, các em được thầy Phương bố trí công việc phù hợp với khả năng của từng em... Đến nay, sản phẩm của xưởng được nhà tang lễ thành phố thường xuyên đặt hàng, đồng thời còn bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại địa phương. “Một phần doanh thu chia cho các em, một phần góp vào nguồn chi phí nuôi các em hằng tháng”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng Võ Thị Thu cho hay.

Cũng tại đây, chúng tôi còn gặp thầy giáo Matthew Keenan, một cựu binh Hoa Kỳ, người từng có mặt tại Đà Nẵng hơn 50 năm trước, vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Bọn trẻ nơi đây luôn gọi ông là Matt, mỗi lần ngang qua lại đập đôi bàn tay vào tay ông. Đó cũng là cách Matthew chào từng đứa trẻ và cùng chúng bắt đầu một ngày mới bằng việc tập thể dục.

 Matthew kể, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông đã ở Chu Lai vào tháng 10/1971, đến tháng 11 thì được cử đến Đà Nẵng. Matthew là nhân viên hành chính, không trực tiếp tham chiến nhưng thường có nhiệm vụ bảo vệ trên những ngọn đồi phía Tây Đà Nẵng. Trở về Mỹ năm 1972, ông Matthew chưa bao giờ có ý định quay lại Việt Nam cho tới năm 2013, khi ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư và khả năng cao là do di chứng của chất độc da cam. Cũng thời điểm đó, Matthew hay tin một đồng đội của ông năm xưa cũng mắc bệnh cùng nguyên nhân tựa như ông. Tìm hiểu thêm, Matthew biết nhiều người dân Việt Nam cũng đang phải chịu đựng những nỗi đau do loại chất độc hóa học của Mỹ gây ra. Từ đó, ông nung nấu ý định trở lại Việt Nam…

Năm 2015, Matthew quay lại Việt Nam. Lần đó, trong thời gian ngắn, trước khi quay về Mỹ, ông đã đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đà Nẵng thăm và làm tình nguyện viên vài ngày tại Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng. Rồi ba tháng sau, ông đã quay trở lại. Cũng từ đó, mỗi năm Matthew đến Việt Nam hai lần, mỗi lần dành 2 - 3 tháng ở lại trung tâm để hỗ trợ chăm sóc các em nhỏ. Đến năm 2019, Matthew quyết định đến hẳn Đà Nẵng sinh sống (trừ thời gian định kỳ về Mỹ điều trị ung thư và thăm gia đình) với mong muốn cháy bỏng là nỗ lực giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của chất độc này đã gieo rắc tại Việt Nam.

Thông qua những hiểu biết thực tế của mình, bằng hình ảnh chân thực về cuộc sống, qua mạng Internet, Matthew tìm cách kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức khắp nơi trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, kể cả Việt Nam…  kêu gọi sự hỗ trợ các NNCĐDC. Trong đó, có lần sau khi đăng tải video lên mạng, một nhà hảo tâm người Mỹ đã quyên góp 60.000 USD để hỗ trợ trung tâm mua xe buýt đưa đón các em nhỏ.

Năm 2020, Matthew kết hôn với một phụ nữ Việt Nam. Vợ chồng ông vẫn đồng hành trong các hoạt động xã hội, điển hình nhất là đã gây quỹ hỗ trợ gần 1.000 chiếc xe cho các học sinh ở Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ông Matthew hiện cũng là thành viên điều hành của Veterans For Peace Chapter 160 (Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam), tham gia vào nhiều công tác hòa giải, khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam…

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp lần thứ Chín, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.