Nhìn nhận trách nhiệm cá nhân trên mạng xã hội
Sáng 17/2/2025, một cô gái ở TP. Đà Nẵng đã đăng bài trên trang cá nhân kể chuyện bản thân mình bị bỏ thuốc mê, sau đó là một cuộc chạy hoảng loạn, bị hai thanh niên đuổi theo như phim hành động khiến rất nhiều người hoang mang.
Bài viết sau đó đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tất nhiên, với những người nhìn nhận tỉnh táo sẽ suy luận được ngay những chi tiết vô lý vì đây là Việt Nam, chứ đâu phải những khu tự trị đâu đó, để dễ có cảnh bắt cóc người giữa đường như vậy.
![]() |
(Ảnh minh họa). |
Đúng như dự đoán, sau khi công an liên lạc, mời làm việc, cô gái đã lên bài đính chính rằng tất cả chỉ là tưởng tượng. Cô gái không hề bị ai "bỏ thuốc quá kinh khủng", cũng chẳng có cuộc rượt đuổi nào cả.
Cái kết dĩ nhiên mọi người đều rõ, cô gái phải chịu xử phạt hành chính theo quy định vì hành vi gây hoang mang dư luận, nhất là thêu dệt câu chuyện làm ảnh hưởng đến hình ảnh TP. Đà Nẵng. Có thể tiếp theo đó là những người chia sẻ thông tin bịa đặt này cũng sẽ bị nhắc nhở và xử lý theo các quy định về an ninh mạng.
Vấn đề đặt ra là thời gian gần đây, hiện tượng thông tin thêu dệt, nói quá sự thật đã liên tục xuất hiện trong cộng đồng mạng, gây ra không ít hiểu lầm tai hại. Có một số sự việc đã được cơ quan chức năng làm rõ, nhiều người vẫn cố tình đưa lại với “biến tấu” rất tùy tiện. Qua giải thích của họ, tất cả nhằm thu hút quan tâm của dư luận vào hoạt động kinh doanh mua bán, giới thiệu hàng hóa dịch vụ…
Lâu nay giới buôn bán kinh doanh hoặc những người muốn gây sự chú ý thường lấy những sự giật gân, gây hiếu kỳ dư luận “làm quà” cuốn hút khách hàng, người tiêu dùng, người xem… Công nghệ số bùng nổ, mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến tăng lên, điều kiện lan tỏa thông tin dễ hơn thì những hành vi vi phạm này càng phát triển. Kể cả sau khi đã có luật quản lý, các hành vi được định nghĩa rõ ràng, đối tượng vi phạm giảm đi song về cơ bản, những thông tin nhạy cảm, cuốn hút đám đông vẫn được nhiều người sử dụng. Họ cho rằng thông tin sai lệch, nhầm lẫn là phổ biến và người chia sẻ, cảnh báo cùng bạn bè thân hữu không phải lỗi gì nặng nề. Việc chịu trách nhiệm với những thông tin lan tỏa như vậy là không hề được nghĩ tới.
Một số luật sư, nhà tư vấn nhìn nhận, từ chỗ chỉ xem những đoạn phim, hình ảnh, phát ngôn trên mạng là giải trí cho đến vô tình tiếp tay cho những hành vi vụ lợi của những kẻ có động cơ, phần lớn những người vi phạm an ninh mạng đều đang nhận thức hời hợt về trách nhiệm của mình. Tình trạng này càng đặc biệt phổ biến, khi các sự việc, biểu hiện vi phạm đạo đức, giao tiếp trong xã hội ngày càng nhiều hơn mà không ai cảnh tỉnh, nhắc nhở.
Sự nguy hiểm là bởi những quan niệm giản đơn đó, nhiều người hoặc hữu ý hoặc vô tình can dự vào không ít vụ việc vốn chỉ lan tỏa trên môi trường mạng đến hỗ trợ sự tính toán lừa đảo, gian lận của kẻ xấu. Điển hình là các vụ việc lừa đảo mới được lực lượng chức năng khám phá về các đường dây lừa đảo cả nghìn tỷ đồng, về mua bán chứng khoán quốc tế, đầu tư tiền ảo kỹ thuật số, mua hàng trực tuyến…
Rõ ràng trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, những hành vi, lời nói của mỗi cá nhân ở ngoài đời hay trên mạng xã hội lại càng phải nên cân nhắc cẩn thận. Cá nhân mỗi người không thể hời hợt về trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội. Trách nhiệm bản thân trước cuộc sống, trách nhiệm kiểm soát hành vi, cảm xúc trên mạng xã hội của mỗi người rất cần được thực hiện nghiêm túc!
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc