Quy định mới về dạy thêm học thêm: Giáo viên và phụ huynh tìm cách "thích ứng"
Những ngày này, nhiều người đang đến bộ phận một cửa của TP. Buôn Ma Thuột để làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục theo yêu cầu của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Thông tư 29).
Chị P.T.H. (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp ngành sư phạm gần 10 năm nhưng không xin được việc làm ở các cơ sở giáo dục công lập nên chị lựa chọn ở nhà dạy kèm học sinh là con của người thân giới thiệu; dạy thêm ở một số trung tâm... Nắm được quy định mới của Bộ GD-ĐT về dạy thêm học thêm, chị quyết định làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Hiện tại, chị đã nộp đủ giấy tờ (bằng đại học, giấy chứng nhận về phương pháp dạy kỹ năng sống, hợp đồng thuê địa điểm mở trung tâm…) tại bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột để mở trung tâm giáo dục kỹ năng sống.
Nắm bắt nguồn cung, chị N.T.V.A., chủ hộ kinh doanh về giáo dục (ngoại ngữ) tại phường Khánh Xuân đang làm thủ tục mở rộng đối tượng phục vụ tại trung tâm của mình. Chị N.T.V.A chia sẻ, cách đây khoảng một năm chị làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh (mở trung tâm ngoại ngữ). Do nhu cầu về học thêm tại trung tâm của người dân tăng cao nên chị đã đăng ký mở rộng đối tượng phục vụ theo quy định của Thông tư 29 để dạy học sinh học các môn văn hóa bậc THCS và THPT. Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Buôn Ma Thuột thì số người đến thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tăng cao. Số liệu mới nhất cho thấy từ tháng 12/2024 đến nay, Phòng đã cấp hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.
![]() |
Học sinh trải nghiệm Ngày hội STEM năm 2024. |
Từ ngày 14/2, hầu hết các lớp học thêm các môn văn hóa đều đang đóng cửa tạm thời để giáo viên hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định của Thông tư 29; nhiều học sinh được ở nhà với gia đình, người thân. Tuy nhiên, việc dừng học giữa chừng cũng khiến cuộc sống của một số gia đình bị xáo trộn, phụ huynh lo lắng.
Chị Phan Thị Thúy, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, con chị theo gia đình chuyển trường từ TP. Hồ Chí Minh về học tại một trường tiểu học trên địa bàn phường đầu năm học 2024 - 2025. Do thay đổi môi trường học tập nên cháu có những bỡ ngỡ nhất định và tiếp thu bài chậm hơn so với các bạn cùng lớp; chị đã kiến nghị giáo viên trên trường dạy kèm có đóng phí để cháu theo kịp bài học trên lớp nhưng hiện nay các lớp học thêm đã tạm ngừng nên cháu tự học tại nhà. Đứa nhỏ của chị mới 6 tháng tuổi, chồng lại đi làm xa nhà nên gần như chị không có thời gian để đôn đốc con học bài. Do đó, chị khá lo lắng đối với việc học hiện nay của con.
Anh Nguyễn Quốc Hiệp (phường Tự An) có con học THCS chia sẻ rằng, kiến thức chương trình mới mang tính ứng dụng nhiều nên anh đã đăng ký lớp học thêm online cho con để theo sát chương trình học. Tuy nhiên, việc học online có những mặt trái (các con dễ lơ là, dễ bị trò chơi điện tử cám dỗ) nên anh phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở con.
![]() |
Giờ học chính khóa của học sinh Trường THPT Trần Phú. |
Thực tế cho thấy, học thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh nhằm củng cố, mở rộng, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà dạy thêm, học thêm biến tướng, tác động tiêu cực đến diện mạo, chất lượng hoạt động giáo dục. Công điện số 10/CĐ-TTg, ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc