Chủ động phòng ngừa khi bệnh sởi vào chu kỳ bùng phát
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi trên toàn quốc cùng sự ghi nhận những ca tử vong ở trẻ em và người lớn do mắc bệnh sởi tại các tỉnh, thành phố, ngành y tế tỉnh đã chủ động lên phương án ứng phó khi bệnh sởi vào chu kỳ bùng phát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong và các biến chứng nặng do bệnh sởi gây ra.
Chủ động phương án phòng chống dịch
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc cho biết, bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi và trung bình một người mắc bệnh có thể lây cho 12 - 18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Bệnh sởi đã từng xảy ra những đợt dịch lớn theo chu kỳ khoảng 5 năm do sự tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi trong cộng đồng.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi, tuy nhiên, đến năm 2024, dịch sởi tăng đột biến với 898 trường hợp mắc sởi và 3 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh ghi nhận trên 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó đã có trên 200 trường hợp dương tính với virus sởi.
![]() |
Đoàn công tác của Bộ Y tế giám sát công tác tiêm vắc xin phòng sởi tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Trước diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kịp thời hỗ trợ trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như giám sát, cách ly, phân luồng nhằm tránh lây nhiễm chéo tại cơ sở khám chữa bệnh, khử khuẩn vệ sinh buồng bệnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi – rubella để tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này.
Mở rộng nhóm trẻ 6 - 9 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin sởi bổ sung và nhóm trẻ 6 - 10 tuổi để tiêm chủng đủ mũi 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi theo kế hoạch của Bộ Y tế.
Ngoài ra, ngay khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp nghi sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện phun khử trùng bằng Cloramin B tại khu vực điều trị bệnh nhân, tại hộ gia đình và các hộ xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Cấp hàng nghìn viên vitamin A cho các cơ sở khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, từ tháng 7/2024 đến nay, bệnh viện đã thu dung điều trị hơn 500 ca bệnh sởi. Để tránh bị động trước nguy cơ bùng phát bệnh, bệnh viện triển khai 3 phương án phòng, chống dịch theo cấp độ, sẵn sàng thuốc, vật tư y tế nhân lực bảo đảm hạn chế tối đa trường hợp chuyển viện do bệnh tăng nặng.
![]() |
Khám sàng lọc cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi để phân luồng điều trị. |
Các trường hợp chưa được tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tích lũy qua nhiều năm sẽ tạo khoảng trống miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan”. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc
|
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Thịnh cũng cho hay, bệnh viện đã thành lập phòng khám sàng lọc tại khu tiếp đón bệnh nhân, với những trường hợp nghi mắc sởi sẽ phân luồng bệnh đưa vào khu điều trị nhi, nhiễm. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã thu dung điều trị hơn 200 trường hợp mắc sởi, trong đó đa phần là bệnh nhi. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng tình hình dịch bệnh có thể tăng lên 400 giường bệnh.
Bao phủ vắc xin phòng sởi
Với chủ trương phát hiện sớm, tránh bỏ sót các trường hợp nghi mắc sởi cũng như kịp thời ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng, ngành y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Cụ thể, đối với công tác dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp đủ số lượng vắc xin và hỗ trợ các địa phương triển khai rà soát, thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho các đối tượng nằm trong diện tiêm chủng.
Theo đó, kết thúc chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi đợt 2 trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đã tiêm cho 41.787 trẻ, đạt tỷ lệ 96,8%.
Trong đó, độ tuổi từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng 95,1%; độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi đạt tỷ lệ 96,4%; độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi đạt 97,4%. Hiện ngành y tế đang tiếp tục tiêm vét, tiêm bù, tiêm bổ sung để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc, dự báo trong thời gian tới dịch bệnh sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại vì năm nay đang nằm trong chu kỳ quay lại của dịch bệnh nên cần hết sức thận trọng. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin phòng sởi trong nhiều năm đã khống chế thành công bệnh sởi. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vắc xin phòng sởi vẫn đối diện nhiều thách thức, điều này thể hiện rõ trong đợt tiêm chủng theo chiến dịch trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, nhóm đối tượng trẻ từ 6 -10 tuổi bị mất sổ tiêm chủng cá nhân nhiều và có sự di chuyển giữa các địa phương đến địa điểm học nên khó rà soát tiền sử tiêm. Số trẻ em được tiêm vắc xin dịch vụ trước đây không muốn tiêm vắc xin sởi theo chiến dịch mà muốn tiêm theo lịch hẹn của tiêm chủng dịch vụ. Một số vùng di biến động dân số nhiều, người đồng bào dân tộc thiểu số sống không tập trung, khó tiếp cận để truyền thông tư vấn…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc