Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục STEM bậc tiểu học Khai phá “chất liệu” từ cuộc sống

07:30, 24/04/2025

Bám sát nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đang đa dạng hóa hình thức giáo dục STEM phù hợp với lứa tuổi học sinh, đem đến những trải nghiệm thú vị trong quá trình học tập ở bậc tiểu học.

Đơn giản hóa giáo dục STEM

Với khát vọng kiến tạo môi trường học tập cởi mở, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và đam mê khoa học cho đông đảo học sinh, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục STEM với những quy mô khác nhau. Đó có thể là tiết học STEM nhỏ trong lớp, sự kiện ngày hội STEM quy mô toàn trường hay tham gia sân chơi STEM cấp thành phố...

Qua đó, học sinh được thỏa sức sáng tạo sản phẩm STEM từ vật liệu thân thuộc (giấy, băng keo, lego, vỏ hộp sữa, chai nhựa) như: chế tạo những chiếc thùng rác, chậu cây xinh xắn; xây dựng sơ đồ tư duy hình cây về gia đình; tháp dinh dưỡng; lắp ráp mô hình sáng tạo...

Học sinh tham quan gian hàng STEM của lớp 5A6, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột).

Sau khi được giáo viên gợi mở, mẹ hỗ trợ, em Lê Văn Kiên, học sinh lớp 5A6, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn thành sản phẩm STEM “cánh tay thủy lực” (từ giấy, ống nhựa) để trưng bày tại ngày hội STEM của trường. Theo Kiên thì quá trình làm sản phẩm STEM với mẹ là một trải nghiệm học tập hạnh phúc; em cũng tự hào khi được thầy giáo khen, các bạn thích thú trải nghiệm sản phẩm.

Tinh thần đơn giản hóa giáo dục STEM cũng lan tỏa đến những vùng khó khăn hơn. Tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc), các em học sinh đã có những trải nghiệm STEM đầy ý nghĩa ngay tại vườn trường thông qua bài học "trồng cây rau xanh". Dưới sự hướng dẫn tận tâm của giáo viên, học sinh được trực tiếp tham gia vào mọi công đoạn trồng rau như: chuẩn bị hạt giống, vật tư (khay, vỏ trứng, đất trồng, bát giấy), thực hành gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Cô Lê Thị Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng chia sẻ, với đặc thù là một trường có đông học sinh dân tộc thiểu số và nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho STEM gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhà trường đã linh hoạt lựa chọn phương thức lồng ghép giáo dục STEM vào những hoạt động thực tiễn, gắn liền với đời sống và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có nhằm mang đến những bài học gần gũi và thiết thực cho các em.

Phát huy tư duy sáng tạo, chủ động trong học tập

Theo cô Nguyễn Kim Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Buôn Ma Thuột) thì việc triển khai giáo dục STEM đã phát huy hiệu quả phẩm chất và năng lực của học sinh. Các em học sinh đã chủ động vận dụng kiến thức được học, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống một cách sáng tạo.

Những bài học được xây dựng theo vòng tuần hoàn xoay quanh chủ thể là học sinh: học sinh tự chuẩn bị nguyên liệu gần gũi với cuộc sống; thực hành chế tạo sản phẩm; trưng bày sản phẩm tại nhà, trong lớp, hành lang lớp học, trên sân trường; khám phá sản phẩm STEM của bạn...

Học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc) thu hoạch rau tại sân trường.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Ngọc Thị Nương, giáo viên bậc tiểu học, Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) khẳng định, hình thức dạy học theo định hướng giáo dục STEM là một trong những "phương pháp dạy học tích cực" ưu việt, có khả năng khơi dậy tư duy sáng tạo, tinh thần chủ động và khả năng lĩnh hội tri thức của học sinh. Bởi học sinh tiểu học vẫn còn ham vui, ham chơi và chưa để tâm nhiều đến việc học. Hoạt động giáo dục STEM trao cho học sinh cơ hội vừa học vừa chơi và được thể hiện vai trò trung tâm trong suốt quá trình học tập. Sự tham gia tích cực của học sinh đã tạo nên bầu không khí học tập sôi nổi, hào hứng, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, từ đó nâng cao chất lượng mỗi bài học.

Thực tế cho thấy, giáo dục STEM ở bậc tiểu học càng đơn giản càng hiệu quả; trong đó việc sử dụng “chất liệu” dạy học gần gũi, thân thuộc từ cuộc sống sẽ khuyến khích “nhà khoa học nhí” đặt nhiều câu hỏi để học tập có chủ đích nhằm khám phá thế giới xung quanh. Bằng cách này, những điều quen thuộc, gần gũi trở thành bài học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thú vị và ý nghĩa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu từ năm học 2024 – 2025, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện giáo dục STEM đến tất cả các cơ sở giáo dục bậc tiểu học bảo đảm chất lượng; trong đó chú trọng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động STEM cho nhà trường, giáo viên…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.