Multimedia Đọc Báo in

Người dân cần phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

11:32, 20/04/2025

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm.

Cụ thể, tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn tại công văn số 2792/ATTP-SP của Cục An toàn thực phẩm; chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và triển khai hậu kiểm theo công văn số 2792/ATTP-SP, 730/ATTP-PCCTr và 296/ATTP-PCCTr của Cục An toàn thực phẩm.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, trong đó tập trung phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý vi phạm và tiến hành thu hồi thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng trên thị trường; kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh thực phẩm trên các ứng dụng trên, nhằm phát hiện các thực phẩm chưa thực hiện việc công bố để gỡ bỏ thông tin trên các sàn thương mại điện tử; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân trên địa bàn tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng.

th
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra một số mặt hàng được bày bán tại các siêu thị, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày, nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. 

Nếu mua các sản phẩm này, người dân cần lưu ý lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, vì khi đó sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. 

Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin: tên sản phẩm; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần, định lượng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); ghi cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; ghi cụm từ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...

Khi xem quảng cáo trên mạng xã hội, người dân cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, như uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... Đây là những nội dung quảng cáo vi phạm. 

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.