Nỗi niềm lao động đi làm ăn xa
Cuộc sống khó khăn, thiếu đất canh tác, sản xuất khiến nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ đã phải rời quê hương đi làm ăn xa với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, đằng sau những đồng lương kiếm được là bao nỗi niềm...
Cật lực mưu sinh
Nhiều năm qua, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh phía Nam là lựa chọn của nhiều lao động trẻ bởi cơ hội kiếm việc không khó, thu nhập lại tương đối ổn định.
Đầu năm 2019, vợ chồng anh Y Til M’lô (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) quyết định gửi hai đứa con nhỏ cho bố mẹ vợ để đến Bình Dương tìm việc. Nhờ sức khỏe tốt cộng với chút hiểu biết về hàn xì sắt thép nên anh Y Til xin vào làm việc cho một doanh nghiệp của Đài Loan; còn vợ làm công việc lao động tay chân cho một cơ sở chuyên sản xuất bóng đèn.
![]() |
Anh Y Til M’lô (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) mở cơ sở xay xát lúa gạo ở quê nhà sau khi nghỉ việc ở Bình Dương. |
Những tháng đầu, anh Y Til vừa làm vừa được hướng dẫn công việc nhưng vẫn được trả mức lương gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi quen việc và thành thạo hơn, mỗi tháng anh được nhận từ 13 - 15 triệu đồng. Sau hơn hai năm làm việc, mức lương dần tăng cao hơn, trung bình mỗi tháng anh nhận được từ 15 - 19 triệu đồng tùy vào thời gian tăng ca. Anh Y Til chia sẻ: “Công việc của vợ chồng tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều hằng ngày, nhiều hôm làm tăng ca đến 9 giờ tối. Dù vất vả nhưng thu nhập của hai vợ chồng cũng được gần 30 triệu đồng/tháng. Do phần lớn thời gian đều làm việc và ăn uống tại công ty nên không phải chi tiêu nhiều; trừ chi phí thuê nhà, ăn uống ngoài giờ mỗi tháng cũng còn dư hơn 20 triệu đồng”.
Sau gần bốn năm cật lực làm việc, vợ chồng anh đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, còn giúp bố mẹ vợ trả hết nợ nần. Những tưởng công việc và thu nhập cứ thế ổn định nhưng do sức khỏe yếu cộng với lao động vất vả nên cuối năm 2022, trong khi đang làm việc, vợ anh Y Til bị đột quỵ phải nằm một chỗ, anh đành từ bỏ công việc để đưa vợ trở về quê nhà, tìm hướng làm ăn mới.
Theo ông Y Manh M’lô, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), những năm gần đây, trên địa bàn xã có khá nhiều lao động rời quê đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam. Hiện toàn xã có khoảng 1.500 lao động đang đi làm xa, trong đó trên 50% ở độ tuổi thanh niên. Họ luôn cố gắng làm việc cật lực để kiếm tiền gửi về quê nuôi bố mẹ, con cái; có người tích góp gửi về xây dựng nhà cửa khang trang hay để sau khi nghỉ việc có vốn đầu tư làm ăn; nhưng cũng có nhiều người làm chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, không có tích lũy.
Nhiều mối nguy bủa vây con trẻ
Đằng sau những số tiền kiếm được, lao động đi làm ăn xa đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ hạnh phúc gia đình đến sức khỏe, cha mẹ già không ai chăm và tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của con trẻ...
Cuộc sống khó khăn nên năm 2022 vợ chồng chị H M’reo Byă (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) gửi hai con nhỏ (SN 2015 và 2018) cho ông bà để đến TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm thuê với mong muốn có nguồn thu nhập ổn định lo cho các con ăn học. Thế nhưng, khi chỉ mới rời nhà đi làm chưa được một tuần, chị nhận được tin con trai lớn bị đuối nước khi đi tắm hồ... Bao nhiêu mơ ước, dự định về một công việc với thu nhập ổn định để cho các con có cuộc sống tốt hơn chưa kịp thực hiện thì nỗi đau mất con khiến cả hai vợ chồng gục ngã.
![]() |
Chị H M’reo Byă, xã Ea Trul, huyện Krông Bông (bên phải) chia sẻ về nỗi đau mất con khi đi làm xa. |
Tương tự là trường hợp đuối nước thương tâm của hai em nhỏ V.H.N.L. (SN 2015) và V.H.H.U. (SN 2016) ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) xảy ra vào đầu năm 2023. Gia đình của hai em thuộc diện hộ nghèo, bố bị bệnh tâm thần. Do không có đất sản xuất và công việc ổn định nên mẹ các em phải đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Trưa 14/1/2023, khi ông bà ngoại đi làm, hai anh em ra hồ chứa nước của hàng xóm để câu cá thì bị trượt chân xuống hồ, mãi đến chiều tối ông bà đi làm về không thấy các cháu mới đi tìm thì đã muộn...
Có thể thấy, việc bố mẹ đi làm ăn xa phải gửi con nhỏ lại cho ông bà, người thân khiến con trẻ thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc, trông nom dẫn đến không ít hệ lụy. Ngoài tai nạn đuối nước thương tâm như những trường hợp trên thì còn nhiều em do thiếu hiểu biết, lại thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giáo dục của bố mẹ đã dẫn đến tình trạng bỏ học, ăn chơi lêu lổng, vi phạm pháp luật...
Thực tế, ở nhiều thôn, buôn, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, đằng sau cánh cửa nhiều ngôi nhà, từ lâu chỉ có người già và trẻ nhỏ nương tựa nhau mà thiếu đi đôi bàn tay, hơi ấm, sự chăm sóc của người được gọi là con cái, là cha mẹ. Họ vì miếng cơm manh áo, sự học của con trẻ, vì một tương lai tươi sáng hơn mà đành lựa chọn con đường mưu sinh xa quê; dẫu biết rằng đồng tiền kiếm được ở nơi xa nhiều khi đẫm mồ hôi, nước mắt...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc