Thêm giải pháp hạn chế chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng những năm qua tình trạng này vẫn tiếp diễn mà chưa có “thuốc đặc trị”.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); khiếu nại, tố cáo về BHXH và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Đây là nội dung mới, giải thích rõ các quy định mà BHXH chưa quy định rõ khái niệm như thế nào là chậm đóng và trốn đóng trước đây.
Dự thảo đã nêu rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc phát hiện và đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN. Cụ thể: đối với các trường hợp chậm, trốn đóng theo quy định, giám đốc cơ quan BHXH trực tiếp xác định và gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động nộp đủ trong 10 ngày đầu tháng. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm khác, cơ quan BHXH phải gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi phát hiện hoặc nhận thông tin từ cơ quan có thẩm quyền.
![]() |
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Ea Kar tìm hiểu việc chấp hành quy định về đóng bảo hiểm xã hội tại một doanh nghiệp trên địa bàn. |
Trước ngày 15 tháng đầu mỗi quý, BHXH cấp tỉnh sẽ báo cáo danh sách doanh nghiệp vi phạm lên BHXH Việt Nam, Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh. Trước ngày 15/7 và 15/1 hằng năm, BHXH Việt Nam tổng hợp thông tin vi phạm đến hết ngày 30/6 và 31/12, báo cáo lên các cơ quan Trung ương. BHXH có thể báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh việc quy định các trường hợp không bị coi là trốn đóng khi người sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHTN không đúng thời hạn; không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN, gồm: không đăng ký tiền lương đóng BHXH bắt buộc, BHTN đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán. Người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.
Số tiền chậm đóng được xác định theo mức trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Luật BHXH và căn cứ vào thời điểm nộp trễ so với hạn đóng. Số ngày chậm đóng được tính từ ngày sau hạn cuối quy định. Giám đốc BHXH có trách nhiệm xác định hành vi chậm/trốn đóng, tính số tiền doanh nghiệp phải nộp bổ sung (bao gồm cả khoản phạt 0,03% mỗi ngày), thông báo để doanh nghiệp đối chiếu và tiến hành thu hồi.
![]() |
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội đến người lao động tại Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Người sử dụng lao động nộp tiền vào Quỹ BHXH, BHTN được thực hiện thu theo thứ tự sau: phạt chậm/trốn đóng là 0,03%/ngày; số tiền chậm/trốn đóng nộp vào các Quỹ BHXH, chia đều theo tỷ lệ, các khoản khác theo quy định.
Khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý: buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ BHXH, Quỹ BHTN; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét, trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn tỉnh khá cao. Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: đôn đốc thu nợ, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị, doanh nghiệp có số tiền nợ BHXH lớn, kéo dài. Mặc dù việc thanh tra, kiểm tra đã thu hồi tỷ lệ nợ đã đạt được hiệu quả, nhưng cũng có không ít đơn vị chây ì không đóng nên vấn đề nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn chưa được xử lý dứt điểm, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế tài chưa đủ sức răn đe. Do đó, hy vọng rằng, những quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; khiếu nại, tố cáo về BHXH và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH sẽ sớm được thực thi, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động trong việc chấp hành nghiêm các quy định, pháp luật về BHXH; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc