Multimedia Đọc Báo in

Tiền mất tật mang vì hàng "bẩn"

08:44, 22/04/2025

Trong "sức nóng" của các vụ việc sản xuất, mua bán hàng giả, quảng cáo sai sự thật bị cơ quan chức năng phanh phui gần đây, tôi xin được chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình với hy vọng góp thêm lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng trước ma trận thực phẩm, dược phẩm "bẩn".

Bác sĩ thực bất lực trước... "bác sĩ" mạng

"Con là bác sĩ sao lại để mẹ bệnh nặng đến mức này!" - Chúng tôi không thể quên câu nói ấy khi đưa mẹ vào điều trị tại một bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh.

Tình trạng của mẹ tôi lúc ấy rất bế tắc vì tay chân hầu như không thể cử động, nuốt nghẹn, trào ngược, đau buốt khắp toàn thân nhưng không thể sử dụng thuốc giảm đau.

Qua nhiều chụp chiếu cận lâm sàng và hội chẩn liên khoa, các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi có một chấn thương rất khó phát hiện ở đốt sống cổ, cần phẫu thuật khẩn cấp.

Trớ trêu thay, men gan của mẹ tôi lại cao gấp 150 lần so với chỉ số thông thường, nghi do sử dụng sữa và thực phẩm chức năng (TPCN) theo quảng cáo trên mạng. Phải qua hai tháng điều trị tích cực để hạ men gan, mẹ tôi mới được phẫu thuật. Dù ca mổ thành công nhưng thời gian chờ đợi kéo dài đã khiến mẹ tôi teo cơ nặng, liệt tay chân, sức khỏe suy kiệt và bị nhiễm trùng cơ hội do đề kháng giảm.

Loại "sữa canxi" mà mẹ tôi đã sử dụng. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ tôi là nông dân. Lao động nặng cùng chế độ ăn, nghỉ, chăm sóc sức khỏe không khoa học đã khiến cha mẹ tôi gặp nhiều vấn đề về xương khớp, tiêu hóa khi tuổi ngày một cao. Với kiến thức của một bác sĩ, em trai tôi luôn nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất để cha mẹ được chẩn đoán, điều trị theo đúng y khoa; cân nhắc, thận trọng khi dùng thuốc cũng như hướng dẫn những bài tập vật lý trị liệu góp phần cải thiện tình trạng đau, nhức hầu như người già nào cũng gặp phải. Thế nhưng, thay vì kiên trì với những giải pháp ấy, mẹ tôi lại có niềm tin mãnh liệt vào thuốc dân gian, lời truyền miệng, thường giấu chúng tôi để tự mày mò theo các video trên mạng xã hội.

Đỉnh điểm là hơn một năm trước, mẹ tôi bị ngã gãy chân phải bó bột hơn một tháng. Trong thời gian hạn chế vận động ấy, những cơn đau nhức ở cột sống, khớp xương tăng lên cùng với triệu chứng khó nuốt, trào ngược. Thay vì hỏi con mình, mẹ tôi chọn tìm đến các loại “thuốc xương khớp” trên mạng. Trong đó, mẹ tôi chọn tin Thạc sĩ, bác sĩ H. K. Toàn – nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong quảng cáo của một nhãn hàng TPCN có tên Khớp K.T (viết tắt).

Qua điện thoại, một người đàn ông tự xưng là “bác sĩ Toàn” đã liên lạc, "khám bệnh" và kết luận mẹ tôi bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm rất nghiêm trọng, phải điều trị càng sớm càng tốt. Giải pháp điều trị của "bác sĩ Toàn" là uống một liệu trình “thuốc” Khớp K.T. sẽ hết đau nhức; uống thêm 1 - 2 liệu trình nữa sẽ chữa dứt điểm, không cần phẫu thuật! Vài ngày sau, một liệu trình gồm 9 hộp với giá 3,9 triệu đồng được gửi đến mẹ tôi theo hình thức giao hàng và thanh toán tại nhà. “Bác sĩ Toàn” thường xuyên gọi điện thoại hỏi han, hướng dẫn khiến mẹ tôi thêm phần yên tâm dùng “thuốc” và tìm mọi cách trì hoãn việc đi khám tại bệnh viện. Ngoài tin “bác sĩ Toàn”, trong thời gian này, mẹ tôi còn tin dùng một loại “sữa canxi” do MC Cát Tường quảng cáo với hy vọng sẽ "phục hồi xương khớp", hết loãng xương...

Cũng vì niềm tin với "thuốc xương khớp" và "sữa canxi" nêu trên, mẹ tôi tìm mọi cách trì hoãn việc đến bệnh viện. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh của bà nặng dần lên cho đến ngày ngất lịm đi, phải nhập viện cấp cứu.

“Ma lực” thực phẩm “bẩn”

Trong suốt nhiều tháng đưa mẹ đi các bệnh viện tại TP. Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy câu chuyện “tiền mất, tật mang” như mẹ tôi không hề ít. Có người bị suy thận cấp, có người bị nhiễm độc corticoid với các biểu hiện rõ ràng như phù nề, da mỏng, mặt căng bóng, ửng đỏ… Điểm chung của họ là người lớn tuổi và từng sử dụng đủ loại TPCN, thực phẩm bổ sung (TPBS) qua quảng cáo trên mạng và lời truyền miệng. Vậy, tại sao nhiều người bệnh có niềm tin mãnh liệt và chấp nhận bỏ tiền để nhận lấy rủi ro sức khỏe nghiêm trọng như thế?

Trước hết, phải thừa nhận rằng nhiều loại TPCN, TPBS giảm được các triệu chứng tức thời, chẳng hạn như giảm đau nhức, giúp ăn ngon, ngủ ngon, tăng cân… Hiệu quả này có được là do trong thành phần của TPCN, TPBS mang mác thảo dược, nguyên liệu tự nhiên ấy có chất cấm, thuốc kháng viêm, giảm đau, thậm chí cả kháng sinh. Nếu như y học phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc về liều lượng, chỉ định, thời gian tối đa cho một đợt điều trị thì các “bác sĩ mạng” chỉ cần một nguyên tắc: bệnh nặng thì uống nhiều, uống lâu; bệnh nhẹ thì uống ít, uống ngắn.

Kế đến, các loại TPCN, TPBS hiện nay đều được thiết kế bắt mắt, thể hiện “chất lượng cao” bằng bao bì, giá bán. Chẳng hạn như những loại mẹ tôi từng sử dụng, trên bao bì đều có chữ in rõ ràng, sắc nét về tên, thành phần, nhà sản xuất, nhà phân phối, chứng nhận, kiểm định chất lượng, mã truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả… Giá của chúng có thể bằng hoặc cao hơn nhiều so với một hộp tương tự của các nhãn hàng lâu năm, có tên tuổi trên thị trường khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng “đắt thì tốt”!

Nếu như các doanh nghiệp kinh doanh uy tín chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quảng cáo, phân phối, tiếp thị thì các doanh nghiệp “ăn xổi” trong kinh doanh TPCN, TPBS bất chấp các quy định của pháp luật. Họ dùng các từ ngữ như “cam kết chữa khỏi”, “điều trị dứt điểm”, “giải pháp tối ưu nhất”, “công nghệ mới nhất”… nhấn mạnh trong hình ảnh, video clip quảng cáo, lời tư vấn, giới thiệu. Từ “công nghệ chiêu trò” này, TPCN, TPBS biến thành “sữa thuốc”, “thần dược” trong mắt người bệnh cần giải pháp điều trị.

Trở lại câu chuyện của gia đình mình, sau những ngày thập tử nhất sinh đến nay, mẹ tôi vẫn chưa thể tự đứng, tự đi lại được. Dù bài học về việc bỏ lỡ thời gian điều trị, bị các đối tượng mạo danh lừa gạt đang để lại hậu quả lâu dài trên cơ thể, mẹ tôi vẫn tiếp tục lựa chọn tin vào TPCN, TPBS được quảng cáo qua mạng, tư vấn qua điện thoại và nhất quyết không cần đến bệnh viện, dù là bệnh viện tư, bệnh viện công hay bệnh viện y học cổ truyền. Trải qua rất nhiều mất mát về tiền bạc, thời gian, tình cảm, chúng tôi cay đắng thừa nhận mình bất lực, chỉ mong các cơ quan sớm vào cuộc, làm "sạch" thị trường thực phẩm "vàng thau lẫn lộn" hiện nay.

Anh Thư


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.