Không tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, không quá nguy hiểm và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, tự ý điều trị bệnh mà không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến mù lòa.
Bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao… là thời điểm mà cơ thể người khó thích nghi, nhạy cảm với thời tiết, mệt mỏi, hệ miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Cùng với đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Ông Nguyễn Đình Giáp (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bị đau mắt đỏ hơn 1 tuần nay. Lúc đầu, ông chỉ đau một mắt phải, khoảng 2 - 3 ngày sau lan sang mắt trái, mắt đỏ ngầu, nhiều ghèn nhất là vào buổi sáng khi ngủ dậy, phải lấy khăn ấm lau mới mở mắt ra được. Cùng xóm với ông Giáp có nhiều người bị đau mắt đỏ, chỉ cho ông mua thuốc Cortisol về nhỏ mắt. Tuy nhiên nhỏ thuốc được 2 tuần, mắt ông không khỏi mà triệu chứng còn trầm trọng hơn. Ông Giáp vào vào Bệnh viện Mắt Đắk Lắk khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị xước giác mạc do lạm dụng thuốc, dùng sai thuốc, nguy cơ giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Đắk Lắk thăm khám cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hải (Bệnh viện Mắt Đắk Lắk), đau mắt đỏ dân gian còn gọi là đau mắt gió, thực chất là bệnh viêm kết mạc cấp. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do vi rút Adeno hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Các biểu hiện của bệnh cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất người bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm mắt, mắt nhiều ghèn. Khi ngủ dậy, ghèn mắt có màu xanh hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, lòng trắng của mắt chuyển sang đỏ, đau nhức, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng trắng khi lật mi lên mới thấy) thì bệnh thường lâu khỏi hơn. Bên cạnh đó, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, có hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng bệnh kéo dài hoặc điều trị không đúng có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc, viêm kết mạc… khiến mắt mờ vĩnh viễn và có thể dẫn đến mù lòa.
Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm khi bị đau mắt đỏ một lần sẽ không bị lại nữa, đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm. Vì đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, do có nhiều loại vi rút khác nhau, chỉ tính riêng vi rút Andeno cũng có nhiều tuýp khác nhau. Do đó, người bệnh bị đau mắt đỏ lần một do một loại vi rút tuýp này, có thể mắc lần hai do mắc phải vi rút tuýp khác. Người bị đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Việc lây nhiễm diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh và ngay cả khi người bệnh đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần. Việc đeo kính khi bị đau mắt đỏ không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính mà vẫn dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân thì khả năng lây bệnh vẫn rất lớn.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh đau mắt đỏ. Chính vì vậy, để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt… Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi ngờ bị đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Phượng Vũ
Ý kiến bạn đọc