Multimedia Đọc Báo in

Để bà con yên tâm chống dịch

08:09, 22/09/2021

Trong đợt dịch COVID-19 này, xã Cư Êbur thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg lâu nhất TP. Buôn Ma Thuột, có hai buôn Ea Bông (thôn 6) và buôn Dhă Prông (thôn 7) bị phong tỏa, cách ly y tế do liên tục phát hiện các ca nhiễm vi rút SARS-CoV2 trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.

 Nhiều ngày qua, cả hệ thống chính trị của xã đã "căng mình" vừa bảo đảm đời sống, phát triển sản xuất để bà con yên tâm ở nhà phòng, chống dịch bệnh.

Đội ngũ cán bộ xã chưa đến 30 người thì 7 người sinh sống trong hai khu vực bị phong tỏa. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương càng khó khăn hơn gấp bội, áp lực công việc đè nặng lên đội ngũ công chức xã.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cán bộ xã đều thuần thục tất cả mọi việc từ chợ búa đến khuân vác! Trong thời gian giãn cách xã hội, địa phương luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân về vật chất và tinh thần. Đến giữa tháng 9, UBND xã đã cấp 4.035 kg gạo cho 73 hộ (296 khẩu) cần hỗ trợ trong hai khu phong tỏa.

Đồng thời tiếp nhận và trao 1.377 suất quà, trên 51 triệu đồng tiền mặt, nhu yếu phẩm, khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn... đến người dân trong khu phong tỏa cùng những người đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm trên địa bàn xã.

Đoàn viên thanh niên xã Cư Êbur giúp bà con cắt cỏ nuôi bò.

Không chỉ chăm lo cho cuộc sống của người dân, cán bộ xã khá vất vả với việc bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc của bà con hai buôn bị phong tỏa. Trong đó, buôn Ea Bông có 450 con bò, 372 con dê; buôn Dhă Prông: 250 con bò, 350 con dê.

Ông Y Fim Ê ban, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Êbur, kiêm Bí thư chi bộ buôn Ea Bông cho biết, những ngày đầu buôn bị phong tỏa “rối như canh hẹ”. Điện thoại reo liên hồi: “Nhà tôi không còn gì ăn”. “Nhà tôi cần đồ thiết yếu cho phụ nữ”, “Đàn bò nhà tôi sắp chết đói rồi”, “Dê nhà tôi ăn cái gì đây?”, "Nhà tôi không còn hạt cám nào”…

Ông Y Fim là một trong 7 cán bộ xã "bị kẹt" trong hai khu phong tỏa là "cầu nối" giữa bà con trong buôn với bên ngoài. Ông cùng 4 cán bộ buôn nhanh chóng lập thành tổ cộng đồng tiếp nhận nhu cầu của người dân trong buôn, sau đó đến từng nhà tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho họ.

Sau một tuần, mọi việc dần đi vào ổn định hơn khi Đoàn thanh niên xã đảm nhận trách nhiệm liên hệ mua rơm, cắt cỏ, cắt lá cây cho đàn gia súc. Hơn 2.000 cuộn rơm được mua và chuyển vào hai khu phong tỏa để người dân nuôi bò. Hàng chục xe máy cày chở cỏ, lá cây cũng đã được cắt mang về buôn giúp các hộ nuôi dê…

Đoàn viên thanh niên xã Cư Êbur cắt lá cây giúp các hộ chăn nuôi dê trong khu phong tỏa.

Cũng nhờ vậy mà bà con ở trong hai buôn bị phong tỏa yên tâm, vững tin, đồng lòng cùng chính quyền địa phương chống dịch. Hiện dịch bệnh tại xã cơ bản được kiểm soát, nhiều ngày qua không còn phát sinh ca bệnh cộng đồng…

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.