Không nên chần chừ khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19
Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, tiêm vắc xin được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả và quan trọng hàng đầu.
Vì vậy, Chính phủ đã tranh thủ mọi nguồn lực và quan hệ ngoại giao để mua, vận động tài trợ vắc xin phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước với mục tiêu tiêm chủng miễn phí cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng.
Đa số người dân rất đồng tình, hưởng ứng với chủ trương tiêm chủng, tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân có tư tưởng lựa chọn chủng loại, quốc gia sản xuất hoặc tránh né tiêm vắc xin do lo ngại các biến chứng có thể gặp phải khi tiêm. Suy nghĩ này cần phải thay đổi thông qua việc cập nhật thông tin để hiểu đúng giá trị của vắc xin mang lại.
Tác dụng phụ sau tiêm vắc xin là hiện tượng bình thường do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với kháng nguyên trong vắc xin. Một số người gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh…
Tùy thể trạng mà mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi được tiêm chủng. Các loại vắc xin khác nhau cũng sẽ có các tác dụng phụ khác nhau. Việc một người phản ứng với vắc xin như thế nào phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của người đó phản ứng ra sao với kháng nguyên trong vắc xin.
Hiện nay, các nước trên thế giới đã sản xuất thành công và tổ chức tiêm chủng rộng rãi hơn 20 loại vắc xin phòng COVID-19 nhưng chỉ có 7 loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận. Trong đó có 4 loại đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam gồm: Pfizer, Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Sinopharm (Trung Quốc).
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là giải pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng hiệu quả nhất. Ảnh: Chi Nhật |
Nhiều người có tư tưởng lựa chọn vắc xin thường mong muốn được tiêm một trong hai loại vắc xin do Mỹ sản xuất vì cho rằng bản thân sẽ được bảo vệ tốt hơn, ít phản ứng phụ hơn. Thậm chí có người còn từ chối khi được tiêm các loại vắc xin khác. Tuy nhiên, họ không biết rằng tỷ lệ chuyển biến nặng khi nhiễm COVID-19 ở những người chưa được tiêm vắc xin cao hơn những người đã tiêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, điều quan trọng nhất là nếu được tiêm vắc xin thì không nên chần chừ, lựa chọn vì tất cả những vắc xin được WHO chấp thuận và Bộ Y tế cấp phép đều đã trải qua những quy trình kiểm tra, thử nghiệm nghiêm ngặt trước khi đưa vào tiêm chủng. Khi đã tiêm đủ liều, cơ thể chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là giải pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng hiệu quả nhất. Mọi người dân cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin, không nên lựa chọn vắc xin, có loại nào nên tiêm ngay loại đó, nghiêm túc thực hiện “5K + vắc xin” để phòng bệnh hiệu quả đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Liên Chi - Quang Nhật
Ý kiến bạn đọc