Bảo vệ trẻ em trước tác hại của thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ gây tổn hại về sức khỏe của bản thân người hút mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, trong đó có trẻ em. Hút thuốc lá thụ động thông qua hít khói thuốc lá sẽ khiến trẻ mắc nhiều bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư cho người hút thuốc và người hít phải thuốc lá thụ động. Đặc biệt, trẻ em trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư… nhiều hơn so với những trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc lá.
Như trường hợp gia đình chị Trịnh Minh Nguyệt (trú huyện Cư Kuin). Khi con chị được 10 tuổi, cháu bắt đầu có biểu hiện ho nhiều, nhất là về đêm, ho tái đi tái lại, thở khò khè, đôi khi còn khó thở, thở gấp, mệt mỏi. Do nhiều lần trị ho không hết, chị đưa con đi khám tại bệnh viện thì các bác sĩ cho biết con chị bị hen suyễn. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết việc chồng chị thường xuyên hút thuốc lá đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
“Khi được bác sĩ tư vấn, tôi và các con đã động viên chồng rất nhiều để anh bỏ thuốc nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Mặc dù quá trình cai thuốc rất khó khăn nhưng nhờ sự động viên và quyết tâm, đến nay chồng tôi đã bỏ hút thuốc lá, sức khỏe của chồng tôi và con đã được cải thiện rất nhiều”, chị Nguyệt chia sẻ.
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của bản thân người hút mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh, nhất là trẻ em. |
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Theo những nghiên cứu gần đây cho thấy, những người hút thuốc lá có thể mắc phải 25 loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... phần lớn gây tử vong hoặc tàn phế. Đây là nguyên nhân của hơn 40% số ca tử vong do bệnh mãn tính về đường hô hấp và gần 10% số ca tử vong do bệnh tim mạch.
Ngoài ra, những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Trẻ em sống chung với người hút thuốc sẽ vô tình tiếp xúc hoặc hít phải khói thuốc lá, qua đó sẽ hấp thụ nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe như trẻ lên cơn hen hằng ngày tăng gấp hai lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Ngoài ra, trẻ phải ngửi khói thuốc thụ động sẽ có tỷ lệ nhiễm các bệnh về đường hô hấp cao hơn bình thường, hay mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm tắc mũi, viêm phổi, lão hóa nhanh, suy tim, tổn thương tim, gây tổn thương phổi, gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao, loãng xương, ung thư...
Đối với trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, các triệu chứng của bệnh sẽ trầm trọng và kéo dài hơn so với những trẻ sống trong gia đình không có khói thuốc. Tác động của khói thuốc thụ động sẽ nghiêm trọng hơn trong khoảng 5 năm đầu đời, khi hầu hết thời gian trẻ đều ở bên cha mẹ.
“Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, tốt nhất không nên để trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá. Do đó, cha hoặc mẹ nếu hút thuốc hãy bỏ hút thuốc bằng các phương pháp hỗ trợ cai thuốc. Nếu đang mang thai, người mẹ cần phải bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt vì khả năng sinh non và nguy cơ xảy ra các biến chứng trong thai kỳ sẽ cao gấp hai lần so với người mẹ không hút thuốc. Tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà, nơi có trẻ và phụ nữ mang thai”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Mai Lê
Ý kiến bạn đọc