Multimedia Đọc Báo in

Những quan niệm sai lầm về hạ sốt, giảm đau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

18:58, 09/01/2022

Nhiều người đã tùy tiện uống thuốc hạ sốt hoặc uống nước lá tía tô trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để dự phòng sốt cao, giảm đau nhức… Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, việc làm này không cần thiết và cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, mặc dù chưa có dấu hiệu sốt nhưng chị L.T.H.C. (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn mua thuốc hạ sốt uống để… đề phòng sốt cao về đêm. Còn anh D.T.T. (ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) vốn mắc bệnh viêm gan B nên ngại dùng thuốc hạ sốt, thay vào đó anh T. mua lá tía tô về giã vắt lấy nước uống trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để phòng sốt cao và đau nhức sau tiêm. Thậm chí anh T. còn uống liên tục 2 lít nước lá tía tô trong một ngày trước khi tiêm vắc xin!

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc làm của anh T., chị C. đều không cần thiết, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc có các phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình là dấu hiệu cho thấy vắc xin và hệ thống miễn dịch của chúng ta đang hoạt động. Do đó, mọi người không nên dùng thuốc hạ sốt tùy tiện trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để dự phòng sốt vì việc làm này ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.

Không nên tùy tiện uống thuốc hạ sốt trước và sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, trừ trường hợp sốt trên 38,5 độ C.

Những giải pháp phòng đau nhức và sốt cao bằng cách uống nước lá tía tô là không phù hợp và chưa có bằng chứng khoa học về việc này. Bởi trong y học cổ truyền, lá tía tô là vị thuốc giúp ra mồ hôi, chữa ho, giúp tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, trị ngộ độc, nôn mửa, đau bụng do ăn cua, cá, cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp… Do đó, uống nước tía tô trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay giảm các tác dụng phụ do vắc xin. Quan trọng hơn, trong trường hợp không may có phản ứng phản vệ xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu người tiêm có uống nước lá tía tô hoặc dùng các bài thuốc dân gian khác, các bác sĩ sẽ khó xác định nguyên nhân.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi tiêm vắc xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm… Những người được tiêm vắc xin cần chú ý những điểm sau: Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng COVID-19; không nên uống rượu, bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ bởi sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Trường trường hợp thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt từ 38,5°C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Các bác sĩ cũng lưu ý, những người mắc bệnh lý vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh đầy đủ, không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vắc xin không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị. Những người đang dùng hằng ngày các thực phẩm chức năng hay thuốc hỗ trợ điều trị như các loại vitamin tổng hợp hay thuốc bổ gan cũng cần tiếp tục sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị suy giảm chức năng gan, tăng cường thể lực, sức đề kháng.

Các triệu chứng thường gặp sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 như: đau, sưng tại vị trí tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ... là những biểu hiện thông thường, chỉ kéo dài trong vài ngày và sẽ tự biến mất.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.