Multimedia Đọc Báo in

Nơi “giành giật” sự sống cho bệnh nhân COVID-19

06:37, 25/02/2022

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), nơi lằn ranh sinh - tử rất mong manh và cũng là nơi các y bác sĩ nỗ lực đến tận cùng trong “cuộc chiến” giành giật sự sống cho các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch.

Tận mắt chứng kiến y bác sĩ và điều dưỡng khu điều trị bệnh nhân nặng COVID-19 (ICU) thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực cho một bệnh nhân, càng thấu hiểu hơn sự vất vả, hy sinh lặng thầm của những “chiến binh blouse trắng”. Trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 kín mít, họ khẩn trương làm nhiệm vụ, mồ hôi rịn nhòe sau lớp kính bảo hộ. Đầu giường, chiếc máy thở nháy đèn đỏ liên tục, tiếng "bíp, bíp" kêu dồn dập, sự căng thẳng đến nghẹt thở. Đối với các y bác sĩ ở đây, những ngày “chiến đấu” này không thể nào quên, bởi ca trực nào họ cũng phải đối diện với “tử thần”, nỗ lực đến giây phút cuối cùng để níu kéo lại sự sống cho bệnh nhân.

Có mặt ngay từ đầu mùa dịch và đã trực tiếp tham gia 5 đợt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng ở nơi đây, bác sĩ Võ Phi Bình tâm sự: “Ở nơi điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch này, ranh giới giữa sống và chết vô cùng mong manh, tất cả gần như được định đoạt chỉ trong một khoảnh khắc”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lộc vỗ lưng giúp bệnh nhân dễ thở.

Hiện tại, khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng có hơn 80 người đang điều trị. Đa số là bệnh nhân lớn tuổi kèm các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ gan... “Bệnh nhân vào khu điều trị toàn là bệnh nặng, hầu hết là người già yếu, lại không có người thân bên cạnh nên điều dưỡng vừa thực hiện y lệnh, vừa cho ăn uống, chăm sóc, lau rửa cơ thể, thay bỉm, vỗ lưng, rồi động viên vỗ về, cứ thấy họ thiếu thốn gì hoặc họ cần gì thì có điều dưỡng ở bên.  Ở nơi này chỉ có bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh nên chúng tôi xem người bệnh như người thân của mình để chăm sóc” - điều dưỡng Nguyễn Thị Lộc bộc bạch.

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao nên áp lực công việc của các nhân viên y tế ở khu ICU cũng rất lớn. Các bác sĩ khi rảnh tay có thể gồng gánh công việc điều dưỡng, điều dưỡng hỗ trợ công việc của hộ lý, không phân biệt nhiệm vụ nào là của ai, chỉ hướng đến mục tiêu phục vụ người bệnh tốt nhất. Có những lúc bệnh nhân này diễn tiến nguy kịch, bệnh nhân kia phải đặt nội khí quản gấp là tất cả cùng lao vào cuộc, dốc sức níu giữ sự sống người bệnh. “Tất cả bệnh nhân đang điều trị ở đây đều được giám sát chặt chẽ. Bởi nếu chỉ sơ sảy một phút giây, nếu dây mask thở oxy của bệnh nhân bị tuột trong lúc ngủ có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nhân viên y tế trong ca trực không được phép rời mắt khỏi người bệnh. Đã có những tiếc nuối, xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi, nhưng cũng có niềm vui, hạnh phúc khi có nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhiều bệnh nhân nặng được “hạ tầng” bằng những nỗ lực chăm sóc, điều trị của nhân viên y tế. Cũng như nhiều thầy thuốc trong cả nước, chúng tôi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 với tinh thần cao nhất, nỗ lực làm hết sức mình, mong muốn cứu chữa người bệnh tốt nhất để họ sớm trở lại cuộc sống bình thường” - bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. 

Khi áp lực công việc giảm bớt, nhân viên y tế ở khu ICU đến động viên bệnh nhân cố gắng điều trị để nhanh bình phục.

Theo bác sĩ CK II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, phụ trách khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, kể từ tháng 8/2021 đến nay khu điều trị phân tầng 3 trở thành "pháo đài cuối cùng" thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền và mức độ nguy kịch tại Đắk Lắk. Đến nay, khu điều trị đã tiếp nhận gần 600 bệnh nhân, chữa khỏi và chuyển xuống tầng 2 gần 400 trường hợp. Cao điểm có gần 100 bệnh nhân điều trị. Bệnh nhân nặng đông, cường độ công việc cao nhưng mỗi thầy thuốc trong khu điều trị đều tâm niệm sẽ làm hết mình để giúp người bệnh vượt qua lằn ranh sinh tử để trở về đoàn tụ cùng gia đình. “Số lượng bệnh nhân vào điều trị rất đông, nhiều bệnh lý nền nặng, nhưng tỷ lệ tử vong đến hiện tại ở mức 0,54%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (1,5%) và trên thế giới (1.4%). Đây không phải là niềm tự hào nhưng là sự nỗ lực tối đa của tất cả cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế đã và đang làm việc tại khu ICU”- bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt bày tỏ.

Dù cuộc chiến chống dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, những khó khăn vất vả vẫn còn nhiều ở phía trước, song với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với người bệnh, họ sẽ luôn là “lá chắn thép” để bảo vệ các bệnh nhân trước sự rình rập của tử thần, mang lại bình yên cho cuộc sống.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.