Multimedia Đọc Báo in

Xét nghiệm COVID-19 thường xuyên, nên chăng?

13:25, 28/02/2022

Lo lắng khi số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, phần lớn ghi nhận trong cộng đồng, nhiều gia đình đã chủ động làm xét nghiệm tầm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tầm soát liên tục đã làm phát sinh một khoản chi phí không hề nhỏ để mua kít test COVID-19 hoặc làm xét nghiệm RT-PCR.

Sau một tuần trở thành F1 (tiếp xúc gần với người mắc COVID-19), anh Lê Văn Ngọc (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã tốn hơn 1 triệu đồng tiền xét nghiệm SARS-CoV-2 bao gồm 1 lần xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, 1 lần test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế và 2 lần mua kit test tự test tại nhà.

Anh Ngọc hay đi công tác ngoại tỉnh, tiếp xúc nhiều người nên rất dễ gặp F0. Ngoài việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, anh còn mua thêm kít test COVID-19 để chủ động tầm soát, bởi không phải lúc nào cũng đeo khẩu trang như lúc ăn cơm, uống nước...

“Vợ tôi cũng hay tầm soát 1 - 2 lần/tuần vì gần nơi ở có nhiều người bị nhiễm COVID-19, có nhà đều bị hết. Tuy tốn kém nhưng tôi cứ đề phòng cho an tâm vì chưa lường hết hậu quả nếu mắc COVID-19”, anh Ngọc chia sẻ và nhẩm tính, với giá bộ kit test dao động từ 70 - 85 nghìn đồng/kit, mỗi tháng gia đình anh tốn hơn 1 triệu đồng; chưa kể nếu tiếp xúc với F0, sẽ thêm khoản tiền không nhỏ làm xét nghiệm RT-PCR.

Kít test COVID-19 đã có mặt trong tủ thuốc của nhiều gia đình.

Làm nghề bán hàng rong đi sớm về tối, thu nhập không bao nhiêu, nhưng tiếp xúc với nhiều người nên bà Nguyễn Thị Lương (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) luôn lo sợ mắc COVID-19; nhất là gần đây, số ca bệnh trong thành phố tăng vọt, phần lớn ghi nhận trong cộng đồng.

Bà Lương lo lắng cho hay, mỗi ngày đi làm về, bà thường dành vài phút xông mũi, súc họng…. Khi trong người mệt mỏi, rát họng, bà lại tự test COVID-19. Chưa kể, bà Lương cũng làm xét nghiệm cho đứa con trai đang học lớp 12 khi nghe trong lớp có người mắc COVID-19. Chẳng mấy chốc, 10 bộ kit test bà mua dự phòng đã dùng hết.

“Ngày mai tôi phải mua lại để dự phòng vì không biết dịch bệnh khi nào mới chấm dứt. Một bộ kit test COVID-19, tôi mua với giá 70 nghìn đồng, đây là số tiền lớn với tôi khi đang phải thuê trọ, công việc bấp bênh”, bà Lương nói.

Không riêng anh Ngọc, bà Lương mà nhiều gia đình khác cũng trang bị bộ kit test COVID-19 để tự xét nghiệm tầm soát dịch bệnh. Nhiều gia đình xót tiền khi chi phí xét nghiệm khá lớn, nhất là những trường hợp làm chỉ “đủ ăn”. Có người mua thêm que để lấy mẫu gộp cho đỡ tốn; có người bị đau mũi khi phải test liên tục nên đổi sang test nước bọt. Dẫu vậy, loại test nào cũng khiến người ta “đau ví”.

Trước việc nhiều người sử dụng kit test COVID-19 liên tục, các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ nên làm xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (như ho, sổ mũi, đau họng, sốt…) hoặc có yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc với F0…

Khi tự test COVID-19 tại nhà, người dân nên lựa chọn bộ dụng cụ test có nguồn gốc rõ ràng, nắm vững kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm, tránh việc thao tác không đúng cách sẽ không đạt hiệu quả lại còn gây tốn kém. Ngoài ra, thay vì test thường xuyên để biết mình có nhiễm bệnh hay không, người dân nên tuân thủ khuyến cáo 5K và chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch bệnh.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.