Multimedia Đọc Báo in

Xử trí đúng cách khi trẻ hóc dị vật đường thở

08:49, 20/03/2022

Dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 4 tuổi.

Theo thống kê, dị vật đường thở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân thứ tư ở trẻ em mẫu giáo. Xử trí đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị hóc dị vật là điều vô cùng quan trọng.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi B.G.A. (31 tháng tuổi, trú thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) bị hóc dị vật đường thở.

Theo người nhà, trong khi đang chơi với anh trai, A. bỗng dưng ho sặc sụa và có biểu hiện khó thở, tím tái. Nghe cháu lớn bảo A. cầm nắp bút bi và gạo chơi rồi đưa lên miệng ăn, người nhà biết con mình bị hóc dị vật nên lập tức vỗ lưng ấn ngực cho A. Nhờ được sơ cứu đúng cách, cháu bé đã nhổ ra chiếc nắp bút bi, hết tím tái, khò khè. Sau đó gia đình tiếp tục chuyển cháu đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ nhận thấy cháu A. tỉnh táo nhưng vẫn khò khè từng cơn, đáp ứng giãn phế quản không rõ ràng. Sau khi tiến hành kiểm tra, hội chẩn và chẩn đoán dị vật đường thở, các bác sĩ đã chỉ định nội soi phế quản, qua đó lấy được dị vật trong đường thở cháu A. là đầu bút bi tẩy mực to khoảng đầu đũa nằm ở carina. Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.

Hướng dẫn thủ thuật cấp cứu khi trẻ dưới 2 tuổi hóc dị vật. Ảnh minh họa

Theo TS., bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), dị vật đường thở là trường hợp những dị vật có thể là chất rắn, lỏng thông thường xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi, qua miệng rơi xuống từ thanh quản đến phế quản khiến bệnh nhân bị giảm hoặc tắc nghẽn đường thở. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, trong đó chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn bởi trẻ nhỏ thường rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì trong tầm tay. Hoặc có thể trong quá trình ăn uống, trẻ quấy khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng. Trẻ ăn thức ăn dễ hóc, không phù hợp với từng lứa tuổi, nhất là khi trẻ chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt chưa thuần thục nên khi trẻ ăn các loại quả có hạt như nhãn, chôm chôm, loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu... thì rất dễ bị hóc.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, khi phát hiện trẻ hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh, nếu thấy trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở thì nên đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện. Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu thì cần nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật. Cụ thể, với trẻ dưới 2 tuổi, áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Với người lớn và trẻ lớn, áp dụng thủ thuật Heimlich. Nếu trẻ còn tỉnh thì đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được. Trường hợp trẻ hôn mê cần để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở. Cần chú ý, nếu nạn nhân ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được. Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

“Phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ hóc dị vật đường thở, đừng can thiệp nếu trẻ vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được. Đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển dị vật nếu bạn không thể thấy được vì dễ khiến dị vật rơi vào sâu hơn. Đối với những trường hợp dị vật đường thở ở trẻ em cần phải khám thật kỹ, do đó, sau khi cấp cứu dị vật đường thở nếu đã thấy một dị vật được lấy ra ngoài và bệnh nhân hết khó thở, hết tím tái. Để tránh bỏ sót dị vật, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, phụ huynh không được chủ quan mà nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.