Multimedia Đọc Báo in

Chủ động tầm soát và phòng ngừa đột quỵ

06:30, 03/04/2022

Đột quỵ, thường gọi là “tai biến mạch máu não”, là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới.

Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của đột quỵ với những hậu quả nặng nề về sức khỏe, vật chất và tinh thần. Vì vậy, cần chủ động thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực để chủ động phòng ngừa đột quỵ, hạn chế những biến chứng nguy hại có thể xảy ra.

Trước đây, đột quỵ chủ yếu xảy ra ở nhóm người cao tuổi (độ tuổi trung bình là 50 - 70 tuổi), có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhất là những người không kiểm soát tốt bệnh. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống cả đời trong cảnh tàn phế sau cơn đột quỵ, dù tuổi đời còn rất trẻ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Đình Thi

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới, với con số khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm; tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, với hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Trung bình 6 người có một người bị đột quỵ, nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10 - 13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại. Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế do chi phí thuốc men, điều trị, hồi phục…

Trung bình mỗi ngày Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 - 150 bệnh nhân, trong đó có 50 - 60 trường hợp bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Đa số trường hợp này đã được điều trị bằng phương pháp tây y giờ kết hợp với y học cổ truyền để tập luyện phục hồi chức năng.

Nhiều người cũng lầm tưởng rằng chỉ những người thừa cân, béo phì mới phải lo lắng về đột quỵ. Thực tế, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… là những bệnh lý nền có liên quan mật thiết tới đột quỵ. Những bệnh này hoàn toàn có thể xảy ra ở những người có cân nặng bình thường, thậm chí gầy gò. Chồng bà Phạm Thị Huệ (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đã điều trị tai biến mạch máu não tại khoa Phục hồi chức năng đến nay đã hơn 4 tháng. Chồng bà Huệ bị tăng huyết áp nhưng không biết vì ít khi đi khám sức khỏe định kỳ. Dịch COVID-19 bùng phát, chồng bà đi khám sàng lọc để tiêm chủng thì mới phát hiện bị tăng huyết áp, đo lúc nào cũng 200 - 230 mmHg. Một hôm ngủ dậy lúc 4 giờ sáng, bà phát hiện người ông cứ lịm dần đi nên gọi người nhà đưa đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận ông bị tai biến, ở trạng thái đã chết lâm sàng.

Người bệnh đột quỵ cần tập luyện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Ảnh: Đình Thi

Theo các bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch, thực tế rất nhiều trường hợp, người bệnh xuất hiện cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, sau đó trong vòng 48 giờ hoặc sau vài tháng thì khởi phát cơn đột quỵ. Các triệu chứng khởi phát đột ngột như yếu nửa người hoặc yếu chi, rối loạn cảm giác nửa người, mất thị lực kéo dài khoảng từ 2 - 20 phút và tự hết nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua.

Hầu hết các bệnh nhân đột quỵ não đều có yếu tố nguy cơ trước đó, do vậy điều trị, theo dõi chặt chẽ các yếu tố nguy cơ là điều then chốt cho việc dự phòng đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não bao gồm tăng huyết áp, rung nhĩ, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá…

Bác sĩ CK I Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) khuyến cáo, có những biện pháp khá thông thường để phòng tránh các cơn đột quỵ buổi sáng như: sau khi tỉnh giấc nên dành vài phút cho cơ thể quen dần với trạng thái mới và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bước ra khỏi giường. Có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác khởi động nhẹ nhàng như duỗi chân duỗi tay, xoa mặt…

Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm, như vậy vừa tạo điều kiện kích thích cơn buồn ngủ, vừa tránh tình trạng khô vào sáng hôm sau, làm giảm độ keo nhớt của máu, giảm bớt áp lực lên tim. Ngoài ra, cần luyện tập thể dục thể thao, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, bia cùng chế độ ăn hợp lý. Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.