Multimedia Đọc Báo in

Không nên kỳ thị người mắc bệnh lao

06:28, 03/04/2022

Hiện nay, bệnh lao đã có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được phát hiện và đến cơ sở điều trị sớm hoặc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Thế nhưng rào cản lớn nhất hiện nay chính là vẫn còn sự kỳ thị của xã hội đối với căn bệnh này.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) cho hay: Mặc dù y học đã đạt được nhiều thành công trong điều trị bệnh lao, nhưng nhận thức của phần lớn người dân về căn bệnh này vẫn chưa đầy đủ. Công tác phòng, chống căn bệnh này vì thế cũng đang gặp không ít khó khăn do vấp phải tâm lý kỳ thị bệnh của nhiều người. Tác động tâm lý bên ngoài đã khiến cho bệnh nhân lao trở nên e ngại, giấu bệnh, không tiếp nhận điều trị. Ðây cũng là một phần nguyên nhân khiến bệnh lao có thể lan rộng trong cộng đồng.

“Chính sự xa lánh, kỳ thị của xã hội đối với người mắc bệnh lao đã khiến nhiều người bỏ trị lao hoặc không dám đến bệnh viện lao để điều trị. Và khi bỏ trị hoặc không điều trị sẽ gây tình trạng lao kháng thuốc. Việc điều trị lao kháng thuốc sẽ rất tốn kém. Trung bình một ca lao kháng thuốc hay siêu kháng thuốc thời gian điều trị từ 18 - 24 tháng và tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng cho một bệnh nhân. Như vậy hệ lụy của việc kỳ thị là rất nguy hiểm”, bác sĩ Mỹ cho biết thêm.

Khi có các dấu hiệu như ho khan, sốt kéo dài, sút cân không rõ nguyên nhân, cần đi khám để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Ảnh: Đình Thi

Hiện nay, tại Đắk Lắk, mỗi năm có khoảng 3.650 bệnh nhân lao mới, trong đó có trên 50% bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao. Tuy nhiên, trên thực tế số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện còn rất nhiều.

Với tỷ lệ lây lan của căn bệnh này là 1 người lây cho khoảng 10 - 20 người khác mỗi năm, đồng nghĩa với việc nếu người mắc lao không được phát hiện điều trị kịp thời thì sẽ là nguồn lây rất lớn cho cộng đồng. Ngoài ra, với thời gian điều trị lâu từ 9 - 20 tháng (tùy phác đồ điều trị) dễ khiến bệnh nhân có tâm lý chán nản, không muốn tiếp cận điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, chỉ cần phát hiện được một bệnh nhân lao là cứu sống được một người và phòng bệnh cho khoảng 10 - 20 người. Điều này cho thấy, việc chống kỳ thị đối với các bệnh nhân lao là điều vô cùng quan trọng để tiến tới kiểm soát tốt bệnh lao, từng bước đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Hiện tại, để tăng cường phát hiện sớm, giúp các bệnh nhân lao tiếp cận điều trị, toàn tỉnh Đắk Lắk có 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố có tổ chống lao, thực hiện công tác dự phòng, phát hiện sớm nguồn bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm, chia sẻ của gia đình bệnh nhân lao thì cộng đồng, xã hội cũng cần thay đổi những suy nghĩ sai lầm, lạc hậu về căn bệnh này.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây qua không khí do tiếp xúc thường xuyên với người bệnh qua đường hô hấp, hắt hơi, ăn uống. Tại Đắk Lắk, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của căn bệnh này luôn đạt trên 95%. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như ho khan, sốt kéo dài, sút cân không rõ nguyên nhân, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

“Để nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lao, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần chú trọng đến công tác truyền thông trực tiếp, chẳng hạn như: tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng, chống lao từ tỉnh đến huyện xã; cộng tác viên y tế thôn, buôn; già làng, trưởng thôn, buôn… Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống lao trong những buổi hội họp của các đơn vị đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Ủy ban Mặt trận… bởi đội ngũ này sẽ là tuyên truyền viên tích cực tác động trực tiếp đến việc thay đổi nhận thức của người dân về bệnh lao. Có như vậy, mới có thể giảm tỷ lệ nhiễm lao trong cộng đồng, sớm thanh toán bệnh lao”, bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.