Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời khi bị chó, mèo cắn

08:10, 13/06/2022

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút dại cấp tính (Rhabdovirus), gây độc hệ thần kinh trung ương do lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt từ động vật mắc dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Đắk Lắk cho biết: Trong những năm qua tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến khá phức tạp. Từ năm 2017 đến nay, năm nào cũng có bệnh nhân chết do bệnh dại, tập trung nhiều ở một số địa phương như huyện M’Drắk, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Pắc, Cư M’gar.

Trước tình hình đó, CDC tỉnh đã tham mưu và UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn năm 2022 - 2030. Điều đáng lo ngại hiện nay là trên địa bàn toàn tỉnh có tới 17 ổ dịch dại trên động vật ở 6 huyện, thành phố gồm: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Ana. Đây là nguy cơ rất lớn bởi nếu chúng ta không xử lý kịp thời có thể khiến vi rút dại lây lan giữa động vật với động vật, lây từ động vật sang người.

Tiêm  vắc xin phòng dại cho chó mèo. (Ảnh tư liệu)
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo. (Ảnh tư liệu)

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, để phòng, chống bệnh dại cần thực hiện quản lý đàn chó, mèo thật tốt. Cụ thể, không thả rông chó, khi ra đường phải rọ mõm cho chó, đặc biệt cần tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Bên cạnh đó, cần lưu ý đối với những đối tượng nguy cơ cao như những người thường xuyên giết, mổ, tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo nên tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Đối với những trường hợp người dân bị chó, mèo cắn, vồ, hoặc liếm vào vết thương hở… thì cần tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt. Trong đó, cần lưu ý, trước khi tiêm vắc xin cần biết cách xử lý rửa vết thương đúng với hướng dẫn của ngành y tế là rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.

Thực tế đã có không ít trường hợp người dân bị chó dại cắn không đi tiêm vắc xin vì lo ngại tác dụng phụ và tự chữa trị bằng các bài thuốc đông y, đắp lá… đến khi lên cơn dại thì đã quá muộn. Hiện nay, công nghệ sản xuất vắc xin dại rất tốt, sử dụng công nghệ tế bào hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh như nhiều người dân vẫn lầm tưởng là giảm trí nhớ, không minh mẫn…

Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 2 tuần đến 1 hoặc 2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của vi rút lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Khi bị nhiễm vi rút dại, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc