Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện 2 tuýp sốt xuất huyết D1 và D2 lưu hành trên địa bàn tỉnh

11:47, 01/07/2022

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh đã ghi nhận 832 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 24 ổ dịch, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số mắc ghi nhận tại 15/15 huyện/thị xã/thành phố, không có trường hợp tử vong. Quá trình thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm mẫu kết quả phát hiện có 2 type D1, D2 lưu hành.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, vi rút Dengue gây bệnh SXH có 4 tuýp là D1, D2, D3 và D4. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do vi rút Dengue tuýp D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4. Khác với những loại bệnh khác, khi đã mắc một lần, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại vi rút gây bệnh. Còn với SXH, sau khi mắc SXH, người bệnh chỉ có miễn dịch trọn đời với tuýp vi rút đã mắc, nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp còn lại. Đáng chú ý lần bị sau thường nặng hơn lần bị trước do các kháng thể của 2 hoặc 3 tuýp vi trùng cùng tồn tại và tác động lên cơ thể con người. Các phản ứng sốt, đau mỏi, xuất huyết sẽ trầm trọng hơn.

Phun hóa chất chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại khu dân cư có nguy cơ cao.
Phun hóa chất chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại khu dân cư có nguy cơ cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên địa bàn, CDC đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch như: hướng dẫn quy trình giám sát và phòng chống bệnh SXH trên địa bàn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập đoàn kiểm tra về công tác phòng chống SXH; tổ chức giám sát, xử lý các ổ dịch SXH và phun hóa chất chủ động phòng chống dịch bệnh SXH tại 6 xã thuộc 5 huyện/thị xã/thành phố; duy trì công tác giám sát dịch tễ chặt chẽ, nhất là vùng có ổ dịch nhằm phát hiện sớm bệnh nhân, xử lý kịp thời và tích cực điều tra, phân tích các khu vực, cơ quan, đơn vị, trường học... có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH cao để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan và bùng phát trên diện rộng.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH gia tăng nhanh trên địa bàn, về khách quan chính là sự biến đổi của khí hậu, thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển. Nhân lực y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã, phường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Còn về nguyên nhân chủ quan, hiện nay, ý thức của một bộ phận người dân trong việc tự diệt và phòng chống lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hóa chất chưa cao; sự phối hợp của UBND xã, phường, tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh chưa thật sự hiệu quả, lực lượng y tế thôn/buôn tại các địa phương hoạt động chưa thật sự tích cực…

Kim Oanh

         


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.