Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng số mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng

07:56, 05/08/2022

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Nguyên nhân của tình trạng này một phần vẫn do người dân chủ quan với bệnh SXH và đến cơ sở y tế muộn.

Nhập viện vào khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng mắc SXH nặng, bệnh nhân N.T.N.A. (ở xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) đã được các bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân A. đã dần ổn định, tuy nhiên vẫn còn tình trạng xuất huyết dưới da và xuất huyết trong mắt. Chị A. kể, khi từ Vũng Tàu về nhà, chị bị sốt nhẹ, nhưng cứ nghĩ do thay đổi khí hậu nên chủ quan không đi khám bệnh mà chỉ mua thuốc hạ sốt về uống. Tuy nhiên, sau đó chị bị sốt cao hơn, không hạ, kèm theo đau đầu và liên tục nôn ói. Đến khi đi vệ sinh bị chảy máu không cầm, chị A. mới hốt hoảng kêu người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ea Kar để khám bệnh. Tại đây, sau khi thăm khám, xét nghiệm, chị A. được chẩn đoán mắc SXH nặng và được chuyển viện lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. “Đây là lần đầu tiên tôi bị SXH. Quá trình bệnh chuyển nặng rất nhanh, nếu cứ chủ quan ở nhà thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa” – chị A. bộc bạch. 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Chăm sóc con trai đang điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà Đ.T.S. (ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, con trai đã từng mắc SXH một lần, nên khi thấy con bị sốt kèm thêm triệu chứng đau đau đầu, buồn nôn, bà nghi ngờ liền đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) để khám bệnh. Quá trình điều trị tại Trung tâm y tế, con trai bà bị chảy máu chân răng không cầm được nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Nhờ được điều trị tích cực, sau gần một tuần, sức khỏe con trai bà đã tiến triển tốt hơn nhiều. Theo bà S., so với lần mắc SXH đầu tiên chỉ điều trị tại nhà, thì lần mắc thứ hai này tình trạng bệnh của con bà có nhiều biểu hiện nặng hơn. May mà gia đình bà đã đưa con đến cơ sở y tế kịp thời.

 

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 1/8, toàn tỉnh có 2.485 trường hợp mắc SXH. Trong đó, có 2.460 trường hợp mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; 25 trường hợp mắc SXH Dengue nặng; đặc biệt đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 509 bệnh nhân mắc SXH. Trong đó, nhóm bệnh nhân mắc SXH nặng chiếm khoảng 5%, nhóm SXH cảnh báo chiếm khoảng 50% và nhóm nhẹ chiếm khoảng 45%. Hiện số lượng bệnh nhân SXH nhập viện điều trị đang ngày một gia tăng. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, với bệnh SXH, thông thường trong 3 ngày đầu, bệnh chưa có biểu hiện nguy hiểm. Người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ ba, dẫn tới tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngày thứ 3 - 7 mới là lúc bệnh chuyển biến nặng. Ở thời kỳ này, vi rút Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu rất nhiều gây ra những biến chứng như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam... Các biểu hiện này dễ dẫn đến tình trạng sốc do thoát huyết tương. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bệnh nhân nôn ói nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, có các biểu hiện thần kinh như bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi. Do đó, bệnh nhân cần phải nhập viện sớm để được bù nước. “Hiện tại đang trong mùa dịch SXH, người dân có triệu chứng như là sốt cao 39 - 40oC kèm theo tình trạng đau đầu, mỏi người, cần nghĩ ngay đến bệnh SXH và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán. Bệnh SXH có 3 nhóm, gồm: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng. SXH Dengue là nhóm bệnh nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước qua đường uống và hạ sốt. Tuy nhiên, việc điều trị nhất thiết phải có sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp điều trị tại nhà phải để ý tới dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng là: nôn mửa nhiều, đau bụng, xuất huyết. Khi có các dấu hiệu này, người bệnh cần phải nhập viện sớm, tránh tình trạng chủ quan, tự ở nhà truyền dịch, dẫn đến bệnh nặng” – bác sĩ Lâm khuyến cáo.

Trước sự gia tăng của bệnh SXH, cùng với việc tăng cường công tác điều trị, hạn chế số ca bệnh chuyển nặng và tử vong do SXH, công tác dự phòng cũng được ngành y tế đẩy mạnh nhằm khống chế dịch bệnh lan rộng. Biện pháp lớn nhất là đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng trên toàn tỉnh; xử lý dứt điểm các ổ dịch nhỏ, ổ dịch trọng điểm và phun hóa chất chủ động ở những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt là những điểm có số lượng bệnh nhân tăng, hoặc có các chỉ số lăng quăng, muỗi cao. Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân biết cách phòng, chống bệnh SXH để chuyển đổi từ nhận thức thành hành vi, chủ động tham gia phòng, chống SXH như: kiểm tra các vật dụng có chứa nước trong nhà, đậy thật kín, không để muỗi truyền bệnh SXH bay vào; thu gom và tiêu hủy các vật phế thải chứa nước xung quanh nhà tránh muỗi đẻ trứng…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc