Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: “Lá chắn thép” vẫn là ý thức của mỗi người
Thời điểm này trên địa bàn tỉnh, đi cùng với dịch bệnh COVID-19 có một nỗi lo cũng không kém: bệnh sốt xuất huyết (SXH). Dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế địa phương nhưng bệnh này đang diễn biến phức tạp, lại có xu hướng gia tăng.
Thông thường mọi năm, giai đoạn trở nặng ở bệnh nhân SXH thường rơi vào ngày thứ 7 trở đi thì năm nay, dấu hiệu nặng có thể xuất hiện ngay ở ngày thứ 4 - 5. Số ca tử vong vì SXH cũng đã xảy ra ở một vài địa phương trong tỉnh. Ngành y tế và chính quyền các cấp đang quyết liệt triển khai những biện pháp đối phó, ngăn chặn tình trạng gia tăng của bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tuy nhiên, để ngăn chặn bệnh SXH, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp đối phó thì ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân là yếu tố vô cùng quan trọng. Mỗi người cần có những biện pháp bảo vệ kịp thời cho mình và người thân xung quanh.
Chẳng hạn như tại huyện Cư M’gar, ngay từ đầu năm, ngành y tế địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh SXH. Nhiều thông tin khuyến cáo, thông điệp liên tục được truyền đi để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống. Chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng được coi là trọng tâm nhằm cắt giảm mật độ của véc-tơ muỗi truyền bệnh tại tuyến cơ sở.
Khám, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar. |
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ngành y tế cùng chính quyền sở tại đã đến từng hộ gia đình để... tìm, vận động thu gom rác, dụng cụ chứa nước. Thế nhưng khi tổ chức chiến dịch đến lần thứ ba, toàn huyện vẫn thu gom được hàng nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy; tình trạng xung quanh nhà dân, khu vực sinh sống có các dụng cụ chứa nước như lốp xe cũ, vỏ chai nhựa vẫn còn. Rõ ràng người dân vẫn lơ là, chủ quan; ý thức phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người dân địa phương còn hạn chế.
Thực tế đó cho thấy, những kết quả từ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự khẩn trương của các cấp, ngành liên quan để giảm thiểu và đẩy lùi bệnh SXH có thể sẽ “đổ sông đổ biển”, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn nếu vẫn còn những người dân không chấp hành khuyến cáo của ngành y tế, thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm, thiếu tự giác vệ sinh môi trường sống để bảo vệ gia đình và cộng đồng.
Đắk Lắk từng được coi là “điểm nóng” về dịch bệnh COVID-19. Bằng sự quyết tâm và đồng lòng, chúng ta đã cùng nhau vượt qua những gian nan để khống chế dịch bệnh COVID-19. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, quyết liệt và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự hợp sức, đồng lòng của đại đa số người dân trong tỉnh.
Bệnh SXH dù có tính chu kỳ nhưng cũng sẽ phức tạp không kém nếu không quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu. Bệnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, do đó càng không được phép chủ quan, lơ là. Thêm một lần nữa, ý thức người dân sẽ là “lá chắn thép” quan trọng và cần thiết để cùng chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống, đẩy lùi, hạn chế sự lây lan của bệnh SXH. Chỉ khi nào người dân vào cuộc tích cực, tự giác, chủ động phòng, chống bệnh ngay tại gia đình, khu dân cư thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới thực sự mang lại hiệu quả.
Duy Khôi
Ý kiến bạn đọc