Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng bệnh nhân mắc lao kháng thuốc

07:48, 30/10/2022

Thời gian gần đây, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, điều này gây nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.

Cách đây vài tháng, chị Bùi Thị Hằng (trú huyện Krông Ana) bị ho, nghĩ rằng chỉ cảm bình thường nên chị ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc về uống.

Tuy nhiên, uống thuốc liên tục 10 ngày vẫn không đỡ lại kèm theo tức ngực, khó thở, chị Hằng đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân thì bác sĩ cho biết phổi chị có vấn đề và khuyên nên đến khám tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị mắc lao kháng thuốc.

Điều đáng nói là đến giờ chị vẫn không biết vì sao mình lại mắc căn bệnh này vì gia đình, bạn bè, những người chị hay tiếp xúc không có ai mắc bệnh.

Tương tự, cách đây 1 năm, anh Nguyễn Phú Phi Linh (trú huyện Krông Năng) bị ho liên tục, đi khám thì được chẩn đoán mắc lao kháng thuốc. Anh không biết mình lây bệnh từ đâu, chỉ biết bản thân hút thuốc lá nhiều nên thường xuyên ho. Từ khi mắc bệnh đến nay anh Linh đã sụt gần 6 kg, sức khỏe giảm đi rất nhiều.

Bệnh nhân mắc lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Theo bác sĩ CKI Nông Thị Điểm, Trưởng khoa Nội 3 Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Điều nguy hiểm là bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng và hiện tình trạng này có xu hướng gia tăng, gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng. Theo thống kê, từ tháng 5/2022 đến nay, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp mắc lao kháng thuốc, tăng khoảng 50% so với các năm.

Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, người mắc bệnh lao không nên giấu bệnh khi mắc lao. Khi điều trị bệnh, bệnh nhân không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hằng ngày. Ngoài ra, những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu mắc bệnh.

Bác sĩ Điểm cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bị lao kháng thuốc như: Vi khuẩn lao tự biến đổi cấu trúc chống lại thuốc do bệnh nhân tự ý mua thuốc uống, uống thuốc không đúng theo phác đồ điều trị khiến thuốc không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn lao. Hoặc do người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc trong cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc. Khi mắc lao kháng thuốc, việc điều trị không chỉ khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn so với bệnh lao thông thường mà chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.

Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể kéo dài đến 24 tháng, phải kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường và các thuốc lao cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn và cần được theo dõi nhiều hơn, bệnh nhân càng khó tuân thủ quá trình điều trị.

“Bản thân các bệnh nhân lao kháng thuốc mỗi tháng phải tái khám 1 lần để theo dõi các chỉ số, làm các xét nghiệm đờm, xét nghiệm máu để đánh giá và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, những năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bệnh nhân lao và lao kháng thuốc không tái khám được thường xuyên, nhiều bệnh nhân bỏ điều trị khiến bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng rất nhiều. Hiện nay trong cộng đồng có rất nhiều người bị lao kháng thuốc nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng”, bác sĩ Điểm chia sẻ thêm.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.