Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng tránh bệnh sán lá gan nhỏ

06:46, 23/10/2022

Sán lá gan là một loại ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Trong một lần cùng con trai đi Quy Nhơn làm xét nghiệm giun đũa chó, nhân tiện chị Trần Thị Phượng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cũng làm các xét nghiệm để xem bản thân có nhiễm loại giun sán nào không.

Kết quả khiến chị Phượng bất ngờ: ngoài bị giun đũa chó ra, chị còn nhiễm sán lá gan nhỏ. “Tôi không biết vì sao mình nhiễm cả hai loại giun, sán cùng một lúc bởi tôi rất kỹ lưỡng trong việc chế biến thức ăn cho gia đình. Bác sĩ cho biết do mới nhiễm nên cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe, chỉ cần tuân thủ uống thuốc đều đặn thì bệnh sẽ nhanh chóng được điều trị khỏi”, chị Phượng cho hay.

Còn anh Lê Quang Trần (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thì phát hiện bị nhiễm sán lá gan khi cơ thể ngày càng gầy rộc, da xanh xao và thường xuyên đau thắt vùng bụng. Đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám, anh được làm xét nghiệm máu, sau đó bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm sán lá gan nhỏ. “Tôi có dấu hiệu đau bụng và sụt cân khoảng 7 đến 8 tháng nhưng chủ quan cho rằng bệnh dạ dày tái phát chứ không nghĩ đó là nhiễm sán lá gan nhỏ. Bác sĩ khuyên sau khi điều trị khỏi bệnh thì không nên ăn gỏi cá hoặc các món cá chế biến chưa chín vì đây là nguyên nhân chính gây bệnh sán lá gan nhỏ”, anh Trần cho biết.  

Ăn gỏi cá thường xuyên là nguyên nhân chính 
mắc bệnh sán lá gan nhỏ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng, côn trùng, bệnh sán lá gan nhỏ gây nên bởi loài sán có tên Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini. Gọi là sán lá gan nhỏ bởi khi sán trưởng thành, chiều dài chỉ từ 10 - 20 mm, chiều rộng 2 - 4mm, nhỏ hơn nhiều so với sán lá gan lớn. Trứng sán lá gan nhỏ tồn tại và phát triển được trong môi trường nước và trứng sẽ hỏng nếu ở trên cạn hoặc khi nhiệt độ mặt trời quá cao. Bệnh sán lá gan nhỏ thường xuất hiện ở những người hay ăn thức ăn sống, như: gỏi cá hoặc ăn cá chưa được nấu chín. Khi ăn thức ăn chưa được nấu chín có mang ấu trùng sán lá gan nhỏ, các ấu trùng này sẽ xuống tá tràng rồi theo đường mật lên, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian khi ấu trùng xâm nhập cơ thể đến khi sán trưởng thành gây các triệu chứng bệnh khoảng 3 - 4 tuần.

Đa số trường hợp nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ không có triệu chứng lâm sàng hoặc chỉ có một số triệu chứng, như: Rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, nước tiểu vàng, một số trường hợp bị sạm da, gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.

Bệnh sán lá gan nhỏ có các thể: nhẹ, trung bình và nặng. Ở thể nhẹ, giai đoạn đầu đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hóa. Ở thể trung bình, tương ứng giai đoạn toàn phát, người bệnh xuất hiện các triệu chứng: toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân, đau bụng (thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai, đau tăng khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau gan điển hình, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy), rối loạn tiêu hóa (phân sống, đầy bụng, khó tiêu…), vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có sạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật. Đối với thể nặng, giai đoạn cuối bệnh nhân càng ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động. Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan tỏa, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc.

Khi có các triệu chứng của bệnh, đặc biệt khi bản thân có tiền sử ăn gỏi cá thường xuyên hoặc các món ăn từ cá chưa được chế biến chín hoàn toàn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được thăm khám, phát hiện bệnh. Việc điều trị sớm thường thuận lợi, bệnh sán lá gan thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị.

Để phòng bệnh sán lá gan nhỏ, nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn gỏi các và các món ăn từ cá chưa được chế biến chín. Tuyệt đối không dùng phân người để nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước. Nếu sống ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh sán lá gan cao nên tham gia uống thuốc tẩy sán lá gan nhỏ do y tế địa phương cấp.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc