Không chủ quan với di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh cũng thường xảy ra ở người trẻ tuổi.
Sau tai biến, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng như: liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng, khó nuốt… ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh hoạt hằng ngày. Việc cải thiện di chứng sau tai biến được thực hiện càng sớm càng tốt thì khả năng phục hồi càng cao.
Theo thống kê của Viện Tim mạch, có 92% người bệnh sau đột quỵ, tai biến đều gặp khó khăn về khả năng vận động như liệt nửa người, liệt mặt, co cứng, đau cơ, suy giảm thị lực, khó nuốt, suy giảm trí nhớ… Và có đến 68% người bệnh bị méo miệng, khó nói, nói lắp. Trong đó, liệt nửa người là di chứng nghiêm trọng nhất và thường xảy ra sau những cơn tai biến mạch máu não nặng. Người bệnh có một số dấu hiệu như: mất thăng bằng, khó cầm nắm đồ vật trong tay; mất phương hướng, chân tay co quắp, cứng các cơ cổ tay, cổ chân. Không thể tự thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân. Nằm lâu, ít vận động dễ gây viêm loét da vùng tì đè.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hiện đang điều trị cho 150 trường hợp tai biến mạch máu não. Hầu hết là các trường hợp cấp cứu và can thiệp tây y ổn định rồi chuyển qua đông y để điều trị di chứng sau tai biến. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng khoa Nội – Nhi (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, người bệnh sau tai biến thường bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân, cùng với các chứng rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp, không thể tham gia các hoạt động như trước đây đã khiến người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, xúc động… Thời gian thích hợp nhất để tập vật lý trị liệu là thời điểm sau 24 giờ khi khởi phát đột quỵ cùng với sự hỗ trợ từ kỹ thuật viên. Mục đích của việc tập vật lý trị liệu nhằm duy trì và phục hồi tầm vận động khớp, tăng cường sức mạnh, sức bền của cơ, từ đó tăng khả năng vận động, di chuyển, phòng ngừa các biến chứng do ít vận động gây ra như viêm loét.
Người bệnh cần tập luyện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Ảnh: Đình Thi |
Đột quỵ đứng thứ ba trong các bệnh gây tử vong ở người lớn, sau ung thư và tim mạch. Ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ mỗi năm, và tỷ lệ tử vong còn cao do cấp cứu muộn, không tuân thủ “giờ vàng” điều trị. Thông thường, 3 đến 4 giờ đầu tiên khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ được xem là “thời gian vàng" do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 đến 4 giờ, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não trong y học cổ truyền như bó thuốc, ngâm thuốc, xông hơi. Điều trị bằng thủy châm, điện châm, điện mãng châm, xoa bóp bấm huyệt, điều trị bằng tia laser, tia hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung…
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung khuyến cáo, duy trì lối sống lành mạnh là việc rất thiết thực và quan trọng giúp người bệnh có thể cải thiện các di chứng. Để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não tái phát, người bệnh cần tuân thủ điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ, kiểm soát yếu tố nguy cơ, có chế độ sinh hoạt, làm việc và tập luyện đều đặn. Bên cạnh đó còn cần phòng tránh các yếu tố bất lợi như để cơ thể bị lạnh, làm việc gắng sức, stress... Để đem lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nhà và bệnh nhân ngay trong thời gian đầu khi người bệnh nhập viện cho đến khi người bệnh thích ứng với khả năng còn lại của mình.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc