Multimedia Đọc Báo in

Đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân dịp Tết Nguyên đán 2023

11:29, 19/01/2023

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ngành y tế tỉnh đã chủ động các phương án trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và chuẩn bị tốt các điều kiện để kịp thời cấp cứu, khám, điều trị cho người dân.

Là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh và khu vực với lưu lượng bệnh nhân đến khám, điều trị và cấp cứu mỗi ngày lên đến hàng nghìn người, để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh trong những ngày Tết Nguyên đán 2023, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo các khoa, phòng bố trí khoa học, hợp lý về nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, dự trù đủ số lượng thuốc, các phương án dự phòng… phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Cụ thể, bệnh viện đã bố trí kíp trực 24/24 giờ, đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính và trực bảo vệ. Các kíp trực có mặt tại vị trí trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận, khám, cấp cứu người bệnh, nhanh chóng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh viện huy động tất cả các lực lượng cán bộ, bác sĩ và nhân viên làm việc trong dịp Tết, không nghỉ phép và lãnh đạo các khoa, phòng phải trực thường trú. Trường hợp có tai nạn hàng loạt hoặc ngộ độc thực phẩm tập thể, bệnh viện sẽ huy động tất cả nhân lực của các khoa tham gia cấp cứu người bệnh một cách kịp thời. Đối với nguồn thuốc phục vụ người bệnh, bệnh viện đã chuẩn bị một cơ số, đáp ứng gần như đầy đủ. Đặc biệt, bệnh viện đã chuẩn bị khoảng 20 nghìn đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và khám chữa bệnh trong dịp Tết.

Song song đó, bệnh viện còn chuẩn bị tốt cho công tác cấp cứu ngoại viện, công tác chuyển viện, tổ chức chặt chẽ việc phân luồng, sàng lọc, cách ly, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện với tinh thần chủ động, chu đáo, đáp ứng nhanh, kịp thời. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các phương án đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh những ngày sau Tết Nguyên đán 2023. Bởi, thông thường sau Tết, do ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất, ăn với số lượng lớn hơn bình thường, ăn nhiều bữa, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt là các tác nhân chính gây ra nhiều bệnh lý. 

Cùng với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hơn 200 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực đảm bảo đám ứng công tác khám chữa bệnh, cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Bệnh nhân chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân dịp Tết Nguyên Đán, Sở đã xây dựng, triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán năm 2023; phân công trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo đơn vị, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; có phương án bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân có kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tham gia triển khai công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2023, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia phối hợp hoạt động khi có yêu cầu.

Cũng theo bác sĩ Nay Phi La, ngành y tế Đắk Lắk luôn coi phòng chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, ngành đã yêu các các cơ sở y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.