Phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 ca bệnh liên cầu lợn ở người, tỷ lệ tử vong là 17,5%. Năm 2005, dịch liên cầu lợn ở người đã xảy ra tại Trung Quốc với 215 người mắc, trong đó có 39 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 18,1%). Theo thống kê có 80% những người bị bệnh là nam giới, là những người giết mổ lợn bị bệnh hoặc chế biến và bán thịt lợn.
Tại Việt Nam, từ năm 2003 ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn. Trong vài năm qua, có khoảng 10 bệnh nhân liên cầu lợn điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Năm 2005, 2006, có 72 trường hợp mắc bệnh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Năm 2007 có 48 ca được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, có một số ca xét nghiệm xác định được tác nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) tuýp II, có 3 ca trong số này đã tử vong.
Tiết canh lợn có thể là nơi chứa vi khuẩn liên cầu lợn, lây bệnh cho người. Ảnh: Quang Nhật |
Tại Đắk Lắk vào năm 2019 ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại xã Krông Nô (huyện Lắk). Ca bệnh đã được phát hiện sớm và điều trị ổn định.
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó khoa phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, nguyên nhân gây bệnh liên cầu lợn là liên cầu khuẩn S.suis. Ở động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân; tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Dựa vào đặc điểm ở lớp vỏ bọc vi khuẩn, người ta đã xác định vi khuẩn có 35 tuýp huyết thanh, trong đó, S.suis tuýp II thường gây bệnh ở người. S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim nhưng những loài động vật này chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp, do đó bệnh cũng có thể lây truyền qua các động vật khác như ruồi, gián, chuột.
Bệnh liên cầu lợn lây truyền sang người khi người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Tuy nhiên, vi khuẩn này có sức đề kháng kém, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa.
Cũng theo bác sĩ Long, khi mắc bệnh liên cầu lợn, người bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng màu thâm đen. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa như sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị bệnh nặng hơn và tử vong. Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc