Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với hiện tượng ù tai

08:23, 23/04/2023

Ù tai là là hiện tượng rối loạn chức năng nghe, khi người mắc có thể nghe thấy những âm thanh tiếng vo vo, tiếng lách cách, tiếng rít…

Ù tai có thể xảy ra bất chợt rồi biến mất ngay sau đó, cũng có thể tái đi tái lại kéo dài gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, giảm thính lực, thậm chí là dấu hiệu của bệnh lý mà chúng ta không biết.

Tai là một bộ phận quan trọng mang chức năng cảm thụ âm thanh đồng thời tác động đến phần tiền đình để điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể. Tai được coi là một cơ quan phức tạp. Cấu tạo giải phẫu của tai được chia thành 3 phần chính gồm: Tai ngoài (gồm các bộ phận từ màng nhĩ đến vành tai đóng vai trò thu nhận và dẫn truyền âm thanh); tai giữa (gồm các bộ phận như xoang chũm, vòi nhĩ, hòm nhĩ, xương con để đảm nhiệm chức năng điều chỉnh âm thanh); tai trong (có mê nhĩ màng và mê nhĩ xương, chức năng chính là chuyển âm thanh thành các xung động thần kinh, đồng thời giúp điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể). Tai có thể bị tổn thương giống như các cơ quan khác trong cơ thể khi có các yếu tố tác động như vi rút, vi khuẩn xâm nhập, chấn thương, vệ sinh kém…

Theo bác sĩ Đỗ Văn Khải, Phó Trưởng Phòng Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), khi bị ù tai có thể biểu hiện bên ngoài không thể nhận biết được nhưng bệnh nhân sẽ cảm nhận được những tiếng vo ve, tiếng rít, tiếng chuông ở trong tai. Càng yên tĩnh như về đêm khuya tiếng kêu trong tai càng to thêm. Trong một số trường hợp bác sĩ cũng có thể nghe được những tiếng kêu đó, nhưng rất ít. Có nhiều nguyên nhân gây ù tai như tiếp xúc với âm thanh lớn, lâu dài; cơ thể căng thẳng, suy yếu, mệt mỏi. Chấn thương vùng đầu, mặt, cổ. Hoặc bệnh nhân có thể bị mắc các bệnh về tai như tổn thương các xương trong lỗ tai; tổn thương khớp thái dương hàm. Cũng có thể bị ù tai do các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc lâu dài.

Khi nhận thấy tai bị ù nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Ảnh: Đình Thi

Để tránh ù tai, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo biện pháp phòng ngừa ù tai duy nhất là cần tránh làm tổn thương đến thính giác như: không nên sử dụng vật nhọn để làm sạch lỗ tai vì có thể khiến tai bị tổn thương; nếu phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn nên mang đồ bảo vệ tai; khi sử dụng tai nghe không nên bật quá to hoặc nghe trong thời gian quá dài. Không nên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Duy trì chế độ luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể để làm tăng lưu thông máu đến các cấu trúc tai và giúp phòng ngừa ù tai.

Ù tai không gây nguy hiểm đến người bệnh nhưng các triệu chứng của ù tai lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt. Vì vậy, khi nhận thấy các biểu hiện tai bị ù cần đến các chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc