Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục, công bằng

15:03, 26/05/2023

Ngày24/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569-QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối tượng của Chương trình gồm các bệnh viện phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn; người khuyết tật và các đối tượng có nhu cầu phục hồi chức năng.

th
Khám sàng lọc dị tật vận động cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Chương trình có mục tiêu chung là bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng. Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

Tầm nhìn đến năm 2050: Phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề ra một số giải pháp cụ thể: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành; Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng; Đảm bảo nguồn nhân lực; Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng; Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Tăng cường truyền thông và vận động xã hội; Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của Chương trình và thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy chế phối hợp liên ngành trong phục hồi chức năng người khuyết tật; hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của phục hồi chức năng và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, phục hồi chức năng cho người lao động thuộc phạm vi quản lý. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Chương trình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Chương trình này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện tại địa phương…

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.