Multimedia Đọc Báo in

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm để ngăn ngừa HIV

08:38, 25/06/2023

Dịch bệnh HIV/AIDS hiện vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là số ca nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa và lan rộng ở các đối tượng khác nhau.

Để ngăn ngừa HIV, liệu pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV đối với những nhóm người có nguy cơ cao được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống  HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến nay cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống. Trong những năm gần đây số người nhiễm HIV được phát hiện khoảng 12.000 - 13.000 ca nhiễm mỗi năm, điều đáng nói là số người nhiễm HIV được phát hiện chủ yếu là nam giới trẻ với đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh trong. Tại Đắk Lắk, theo báo cáo của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tính đến ngày 30/5/2023 lũy tích số người nhiễm HIV còn sống là 1.622 người, 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 62 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 11 trường hợp là đối tượng quan hệ đồng giới nam.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (còn gọi là PrEP: Pre-Exposure Prophylaxis) là việc dùng thuốc kháng vi rút ARV để điều trị dự phòng cho những người âm tính với HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiệu quả bảo vệ của liệu pháp PrEP đạt khoảng 97% ở đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm qua quan hệ tình dục và khoảng 74% qua tiêm chích ma túy.

Hiện nay thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được điều chế dưới dạng viên nén rất thuận tiện và dễ sử dụng. Các thử nghiệm về phương pháp điều trị này đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới với hiệu quả đã được ghi nhận trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, cặp bạn tình dị nhiễm và người tiêm chích ma túy. PrEP sẽ phát huy hiệu quả tối đa với điều kiện người dùng luôn tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, thuốc ngừa HIV không phải là vắc xin bởi vắc xin giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể của cơ thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài, còn PrEP là sự kết hợp của hai loại thuốc kháng vi rút để dự phòng lây nhiễm HIV, PrEP cần phải được uống đúng theo hướng dẫn, khi dừng thuốc hết tác dụng.

huốc kháng HIV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

PrEP hiện có hai hình thức sử dụng là PrEP hằng ngày và PrEP theo tình huống. PrEP hằng ngày áp dụng cho mọi đối tượng đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP và không có chống chỉ định PrEP. PrEP theo tình huống sử dụng cho người có giới tính khi sinh là nam, có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và đảm bảo đủ điều kiện uống thuốc trong vòng 2 - 24 giờ trước khi quan hệ tình dục.

Mặc dù đều là dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút ARV nhưng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP và dự phòng sau phơi nhiễm PEP (Post- Exposure Prophylaxis) có những điểm giống và khác nhau mà người dùng cần hiểu rõ và phân biệt. Giống nhau ở chỗ PrEP và PEP đều là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống thuốc ARV, PrEP và PEP đều áp dụng cho người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Điểm khác nhau giữa hai biện pháp này là về thời gian uống thuốc: PrEP uống trước khi phơi nhiễm HIV, uống mỗi ngày trước khi có nguy cơ nhiễm HIV; PEP uống sau khi phơi nhiễm HIV, điều trị khẩn cấp, uống trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm HIV. PrEP dùng cho người chưa nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục với người không biết tình trạng HIV, người dùng chung bơm kim tiêm; PEP dùng cho người chưa nhiễm HIV nhưng đã bị phơi nhiễm HIV, quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích ma túy không an toàn, kim đâm, bị lạm dụng tình dục, quá trình điều trị phơi nhiễm với PEP sẽ kéo dài trong khoảng 28 ngày. Về hiệu quả, PrEP giảm nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy đến 70%, trong khi đó hiệu quả của PEP là phòng lây nhiễm HIV nếu uống đúng, đủ và càng sớm càng tốt.

WHO đã đưa ra khuyến cáo rằng: điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV- PrEP là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao và điều trị PrEP cần được coi là chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Do vậy, cần sớm triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đích để hoàn thành mục tiêu chiến lược quốc gia: Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc