Multimedia Đọc Báo in

Bệnh nhân suy thận mạn cần tuân thủ đúng lịch lọc máu

08:18, 30/07/2023

Khi bị mắc bệnh suy thận mạn, người bệnh thường bị suy yếu những chức năng của thận như điều hòa dịch, điện giải, đào thải những độc tố có hại cho cơ thể ra bên ngoài thông qua nước tiểu, khiến các chất thải, độc tố bị ứ đọng lại ở bên trong cơ thể.

Vì vậy, nếu không được lọc máu kịp thời, thường xuyên, sức khỏe của bệnh nhân sẽ suy giảm nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo. Hiện chi phí điều trị do bảo hiểm y tế thanh toán cho các bệnh nhân suy thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Người mắc bệnh thận còn phải chịu những tổn thương tinh thần to lớn trong học tập, việc làm và gia đình. Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Và lọc máu vẫn là biện pháp điều trị phổ biến thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân khi lọc máu, các y, bác sĩ thường xuyên kiểm tra trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo. Ảnh: Quang Nhật

Mắc bệnh đái tháo đường biến chứng suy thận hơn 7 năm nay, đều đặn tuần 3 lần, ông H.Đ.S. (trú huyện Cư M’gar) lại bắt xe buýt từ huyện lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để được lọc máu. Ông S. chia sẻ: “Khi mắc bệnh đái tháo đường, vì lo lắng cho sức khỏe của bản thân nên nghe mọi người chỉ ở đâu có bán phương thuốc trị khỏi bệnh là tôi mua về uống. Có lần nghe nói có thầy thuốc ở Đà Nẵng bán thuốc lá trị khỏi bệnh, tôi đặt mua về uống được 7 thang thì bị suy thận. Sau khi suy thận, sức khỏe của tôi sụt giảm nhanh chóng, mắt mờ, không còn lao động được”. Khi mới bị suy thận, có mấy lần vì bận công việc và chủ quan nên ông S. không đi lọc máu đúng lịch. Những lần đó, ông thấy khó thở, cơ thể không chịu nổi. Các bác sĩ cho biết ông phải đi lọc máu đều đặn nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Bị suy thận đã hơn 10 năm, bà S.N.N. (trú huyện Ea Kar) cũng đang phải lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. “Vì không nghĩ mình mắc bệnh thận, khi thấy đau người nhà cứ mua thuốc về uống. Tới khi đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Tôi đã đi nhiều nơi, uống đủ loại thuốc nhưng rồi cuối cùng vẫn phải quay về bệnh viện để lọc máu. Biết bệnh này giờ chỉ có lọc máu mới duy trì được sự sống nên tôi không còn chạy chữa lung tung nữa mà đều đặn tuần 3 lần lên bệnh viện để lọc máu cho đúng lịch”, bà N. tâm sự.

Theo bác sĩ CKI Hoàng Thị Thủy Tiên, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), bệnh suy thận thường tiến triển qua nhiều giai đoạn, nặng dần lên theo từng đợt và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc này hai thận gần như đã mất hoàn toàn chức năng và đòi hỏi bệnh nhân phải điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng trên 400 bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo. Vì tình trạng bệnh nhân quá đông, số lượng máy chạy thận ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nên có không ít bệnh nhân phải lên tuyến trên hoặc đến tỉnh Khánh Hòa để chạy thận định kỳ.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Nguyên nhân bệnh nhân mắc bệnh suy thận cần chạy thận nhân tạo gia tăng là bởi hiện nay người mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp ngày càng nhiều. Có đến 50% bệnh nhân mắc bệnh thận mạn là do các bệnh chuyển hóa biến chứng thành suy thận mạn. Khi mắc suy thận mạn, người bệnh không được chạy thận nhân tạo sẽ gặp các biến chứng như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngưng tim, phù phổi cấp, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng…

Suy thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng, vì vậy điều quan trọng là cần phát hiện bệnh sớm, đặc biệt đối với 3 đối tượng có nguy cơ cao là người bị đái tháo đường, tăng huyết áp và người có lịch sử gia đình bị bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm để không biến chứng lên thận.

Kim Oanh - Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.