Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng dinh dưỡng khi đang mang thai

08:35, 09/07/2023

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai đặc biệt quan trọng đối với cả bà mẹ và thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, bà mẹ đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng và chăm sóc con. Ngược lại, nếu trong thời kỳ mang thai người mẹ không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn có thể gây nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non tháng, nhẹ cân hoặc một số tai biến khác.  

Chị H.T.T., 32 tuổi (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) mang thai con đầu lòng được hơn 3 tháng nhưng người rất gầy, yếu, da dẻ xanh xao. Chị T. cho biết, do bị nghén nên chị không ăn uống được nhiều, đã thế mẹ chồng còn bắt chị kiêng khem nhiều thứ và phải làm nhiều việc để dễ sinh. Mặc dù mang thai 3 tháng nhưng không những không tăng cân mà chị T. còn sụt cân hơn so với trước khi chưa mang thai.

Thai phụ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển của thai.

Còn chị N.T.S., 29 tuổi (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) sinh con khi thai chưa đủ tuổi, bé chỉ nặng 2,3 kg. Chị S. thổ lộ: Cả quá trình mang thai, chị chỉ lên được 6 kg, do ngửi thấy mùi gì cũng bị nôn nên hầu như không ăn được gì ngoài cơm trắng và canh. Khi đi siêu âm, bác sĩ cũng cảnh báo trước về chỉ số cân nặng của bé chưa đạt ở mức bình thường nhưng vì cơ địa dị ứng mùi thức ăn nên chị bị thiếu chất dinh dưỡng trong khi mang thai. Có thể đó cũng là lý do khiến bé bị sinh non và nhẹ cân. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ bởi các chất dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu, qua nhau thai để đến nuôi dưỡng thai nhi. Do vậy, nếu người mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt. Ngược lại, nếu người mẹ mang thai thiếu ăn, không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và để lại biến chứng cho sản phụ; tăng nguy cơ nhiễm bệnh, thiếu máu, hay ốm yếu và giảm hoạt động; đồng thời tăng nguy cơ thai chết lưu, chết sơ sinh, tăng nguy cơ đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân, bị dị tật bẩm sinh, tổn thương não và chậm phát triển… Việc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân khiến suy dinh dưỡng bào thai. Thai suy dinh dưỡng là hiện tượng cơ thể mẹ bị thiếu hụt dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất khi mang thai. Đây là nguyên nhân lớn khiến em bé bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Cần đảm bảo dinh dưỡng trong nhiều tuần trước khi mang thai để đảm bảo máu của người mẹ có đầy đủ các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất khác đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bào thai. Hơn nữa, giai đoạn đầu của thai kỳ, thai phụ thường bị nghén không ăn uống được, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng vì thế nguồn dự trữ trước khi mang thai là rất quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, đủ sức để vượt cạn trong cuộc đẻ, mau hồi phục sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.

Trong quá trình mang thai, thai phụ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển của thai, rau thai, khối lượng máu trong cơ thể mẹ tăng và tăng dự trữ mỡ cho tạo sữa sau này. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng theo từng giai đoạn của thai kỳ, đặc biệt là thời kỳ 3 tháng cuối. Ngoài cơm và lương thực khác ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như: đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau xanh có màu xanh đậm. Bên cạnh đó, cần ăn đủ chất đạm động vật, các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc và có điều kiện nên có thêm thịt, trứng, sữa. Bà mẹ mang thai cần bổ sung các chất khoáng, canxi, sắt, acid folic, vitamin C để làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C và acid folic có nhiều trong các quả chín, rau xanh.

Chế độ ăn không nên kiêng khem quá mức, chỉ chú ý một số điểm nên hạn chế trong ăn uống như: không nên dùng các loại chất kích thích rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc…; giảm ăn các gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm… Trong quá trình mang thai, giai đoạn đầu có đến 50 - 70% phụ nữ có biểu hiện nghén, nôn, vì vậy cần thay đổi cách chế biến để dễ ăn hơn, chọn những món ăn nhẹ, dễ tiêu, tránh xào nấu, chiên rán hoặc thức ăn có mùi gây khó chịu. Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, không nên ăn quá no, không cần ăn đúng bữa mà hãy ăn những thức ăn phù hợp khi có nhu cầu…

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.