Multimedia Đọc Báo in

Thêm một trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại tại Krông Pắc

20:08, 09/07/2023

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại tại huyện Krông Pắc.     

Bệnh nhân là H.H.K. (Nữ, sinh năm 1987, trú tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc). Theo người nhà bệnh nhân, khoảng tháng 1/2023, bệnh nhân bị chó con cắn vào ngón tay phải, sau đó đập chết con chó và không đi tiêm phòng dại.

th
Truyền thông lưu động về cách phòng ngừa bệnh dại. Ảnh minh hoạ.

Đến ngày 5/7, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng kích thích, sợ nước, sợ gió. Ngày 6/7, bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị trong tình trạng tỉnh táo, kích thích, sợ nước, sợ gió, chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn thể hung dữ/Bướu cổ. Ngày 7/7, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do mắc bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng điều tra, xác minh trường hợp bệnh và truyền thông kiến thức phòng, chống dại cho gia đình, cộng đồng xung quanh. Đồng thời thông tin trường hợp bệnh nhân tử vong cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để phối hợp xử lý, tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại buôn Kang, xã Ea Knuếc.

Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc tiếp tục giám sát ổ dịch dại trên người tại địa phương, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại và phối hợp các cơ quan đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.

Đây là trường hợp thứ 3 tử vong nghi do mắc bệnh dại trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm tới nay.

Hồng Chuyên

         


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.