Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Chủ động ngăn ngừa bệnh dại

08:46, 07/06/2023

Sau khi ghi nhận một số trường hợp bị chó dại cắn, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Cư Kuin đã tăng cường, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh dại từ vật nuôi sang người.

Ngày 2/5/2023, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm tiêm chủng Nhân Sinh (thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) về việc có 4 người dân ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) đến Trung tâm tiêm phòng bệnh dại do bị chó nhà cắn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin khẩn trương phối hợp với UBND xã Ea Hu và cán bộ thú y cơ sở kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng V yêu cầu xét nghiệm đối với bệnh dại. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dại, Trạm đã phối hợp với UBND xã tiến hành tiêu hủy chó, phun thuốc khử trùng tiêu độc và tiếp tục kiểm tra, theo dõi ổ dịch.

Tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó nhà của người dân huyện Cư Kuin. Ảnh: Hồng Chuyên

Bác sĩ Trần Bảo Long, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng Nhân Sinh cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại do bị chó cắn. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc chữa, vì vậy tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất, người dân tuyệt đối không được sử dụng các bài thuốc nam, thuốc gia truyền thay thế vắc xin điều trị. Cùng với đó, người tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại cần tuân thủ nghiêm các chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đầy đủ, đúng lịch, đủ liều để loại bỏ nguy cơ mắc dại.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại, riêng huyện Cư Kuin có 4 trường hợp bị chó mắc bệnh dại cắn. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, UBND huyện Cư Kuin đã có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật; tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho toàn bộ chó, mèo trên địa bàn huyện.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin tuyên truyền lưu động về ngăn ngừa bệnh dại.

Ông Lê Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin cho biết, mùa hè thời tiết nắng nóng chính là thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Bệnh không có thuốc điều trị, tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều tử vong. Thời gian qua, ngành thú y huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại bằng nhiều hình thức như sử dụng các phương tiện lưu động có gắn loa phát thanh, tuyên truyền để người dân nắm thông tin, xử lý tình huống khi có trường hợp người bị chó cắn; cảnh báo người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; cách xử lý tình huống khi bị chó, mèo cắn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, thậm chí phớt lờ việc tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi.

Cũng theo ông Lê Văn Chính, để đẩy lùi và từng bước loại bỏ bệnh dại ra khỏi đời sống, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán chó, mèo và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi động vật. Cùng với việc rà soát tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn huyện, ngành thú y huyện sẽ đẩy mạnh triển khai tiêm phòng dại định kỳ theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh dại từ vật nuôi sang người, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.

Hồng Chuyên – Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc