Chủ động phòng bệnh cúm A/H5N1
Thời gian qua, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp tại nước bạn Campuchia, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm vi rút này.
Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 73 km với Campuchia, tình trạng giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm là rất cao.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh cúm A/H5N1 do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Vi rút này có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người hoặc trung gian qua các thực phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh. Khi bị nhiễm cúm A/H5N1, người bệnh sốt cao đột ngột trên 380C, đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực, khó thở, da tím tái nhanh, mệt mỏi, tiêu chảy, rối loạn ý thức... Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện nay, việc điều trị bệnh cúm A/H5N1 đang gặp nhiều khó khăn, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Chỉ giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm khi biết rõ nguồn gốc. |
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc