Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Y tế huyện Krông Búk: Chủ động, linh hoạt trong đấu thầu thuốc

08:25, 20/12/2023

Hai năm qua, cũng như nhiều đơn vị y tế trên cả nước, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Krông Búk hoạt động khó khăn do thuốc và vật tư y tế không đủ cung ứng cho người bệnh.

Nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng đột biến làm TTYT huyện không cung ứng đủ thuốc. Đặc biệt là một số quy định, hướng dẫn đấu thầu thuốc ban hành còn nhiều bất cập, chưa chi tiết, cụ thể gây trở ngại cho việc tổ chức đấu thầu và các đơn vị tham gia đấu thầu

Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc TTYT huyện cho biết, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế phức tạp, đòi hỏi nhân lực tham gia đấu thầu phải có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên tại đơn vị, nhân lực chủ yếu làm công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Trong khi đó, thời gian để hoàn thành một gói thầu thường kéo dài ít nhất 6 tháng, thời gian thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thường trùng nhau gây áp lực rất lớn cho nhân viên kiêm nhiệm công tác đấu thầu.

Trung tâm Y tế huyện Krông Búk cơ bản đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh của người dân.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, ngày 4/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Ngay khi Nghị định 07 ra đời, TTYT huyện đã chỉ đạo, quán triệt các phòng, ban chức năng đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ người bệnh. Việc vận dụng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 phải chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định.

 

TTYT huyện Krông Búk có quy mô 100 giường bệnh, với 12 khoa, phòng chuyên môn, 174 cán bộ, nhân viên, trong đó có 44 bác sĩ. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận, điều trị khoảng 15.000 lượt bệnh nhân.

Để thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, Ban Giám đốc TTYT huyện tập trung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các khoa, phòng đảm trách công tác đấu thầu; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong kiểm soát, tính toán số lượng vật tư y tế, hóa chất hiện có. Đặc biệt chỉ đạo, không để hết thuốc mới tiến hành xây dựng gói thầu; hóa chất, vật tư y tế trong kho còn 50% phải làm dần, đúng quy trình các bước mua sắm.

Với nhiều nỗ lực, từ tháng 9/2023 đến nay, TTYT huyện đã thực hiện thành công 4 gói thầu thuốc, trong đó có nhiều gói thầu phải thực hiện đến 3 - 4 lần mới lựa chọn được nhà thầu, gồm: mua thuốc tập trung cấp quốc gia; mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2022 - 2023; mua thuốc dược liệu cổ truyền thuộc danh mục đấu thầu cấp cơ sở và gói thầu Generic từ nguồn viện phí, bảo hiểm y tế. Nhờ đấu thầu thành công đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc nên hiện nay số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm tăng 20 - 30% so với trước.

Chị Trần Thị Phương Thảo, ở thôn Ea Siết (xã Cư Né) trò chuyện, đây là lần thứ hai trong năm nay chị đưa con đến khoa Nhi, TTYT huyện khám, điều trị. Đợt trước, vì chưa đủ thuốc nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Lần điều trị này, chị yên tâm hơn vì TTYT huyện đã có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, các y bác sĩ tận tình chăm sóc.

Chị Trần Thị Phương Thảo ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) đưa con đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện.

Sau khi tháo gỡ được “nút thắt” về thuốc, không chỉ người bệnh mà y, bác sĩ của TTYT huyện cũng rất phấn khởi. Bác sĩ Phan Thị Như Nụ, khoa Nhi cho hay, việc kê đơn để người dân tự mua những loại thuốc trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế là nỗi trăn trở, áp lực của lãnh đạo cũng như bác sĩ ở Trung tâm. Nhờ bảo đảm nguồn thuốc, vật tư y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại khoa Nhi tăng lên.

Hiện nay, TTYT huyện đang tiếp tục đấu thầu gói hóa chất sinh phẩm, vật tư y tế nhằm phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để đảm bảo cung ứng đầy đủ hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng như phòng, chống dịch, bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc TTYT huyện đề nghị, về lâu dài cần phải có giải pháp căn cơ, đó là cần hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng để các bệnh viện, TTYT không còn sợ sai khi đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.