Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh hen suyễn

08:20, 07/01/2024

Hen suyễn (còn gọi là hen phế quản) là một hội chứng thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm, do co thắt và tình trạng quá mẫn cảm của các phế quản với các kích thích bên trong cũng như bên ngoài.

Hen kéo dài nhiều năm để lại di chứng bệnh phổi mạn tính có tổn thương tại phế quản, từ những tổn thương này lại kích thích làm cho hen phế quản nặng thêm.

Bác sĩ CKI Trần Thị Bích Liên, Phó khoa Nội I (Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết: Có một số yếu tố liên quan đến bệnh hen được cho là nguyên nhân làm cho người bệnh dễ có những cơn bùng phát bệnh như yếu tố di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh hen suyễn thì xác suất mắc bệnh của con cái sẽ cao lên đến 50%. Thời điểm xuất hiện cơn hen có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là thời kỳ ấu thơ và thời kỳ mãn kinh ở nữ giới. Ngoài ra, yếu tố dị ứng cũng đóng vai trò quan trọng, các tác nhân dị ứng thường là bụi bặm, nấm mốc, khói thuốc, phấn hoa, một số đồ gia vị, hóa chất công nghiệp, một số loại thuốc…

Khi mắc bệnh hen suyễn, bệnh nhân thường có các biểu hiện như ho, khó thở, khò khè, có người kèm theo sốt… Sau cơn khó thở thường ho, có đờm loãng, nghe phổi có nhiều rên rít... Trong cơn hen suyễn người bệnh có thể xanh xao vì thiếu ôxy và có thể bị đau ngực hay mất tri giác. Cơn hen suyễn nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân điều trị bệnh hen tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đình Thi

Người mắc hen suyễn vẫn sinh hoạt, lao động, học tập bình thường, chỉ trừ những lúc lên cơn hen. Tuy nhiên, sau khi được điều trị cắt cơn, nhiều bệnh nhân chủ quan tưởng rằng tình trạng bệnh của mình đã ổn định nên tự ý bỏ thuốc và không tái khám. Như trường hợp của bà T.T.C. (62 tuổi, trú xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) được các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh khám, chẩn đoán mắc bệnh hen và cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, sau liệu trình điều trị, bà T.T.C. không đến bệnh viện tái khám mà tự mua thuốc xịt họng để làm giảm triệu chứng khó chịu. Hậu quả là sức khỏe bà C. ngày càng giảm sút và có biểu hiện khó thở. Bác sĩ chuyên khoa cho biết việc lạm dụng thuốc xịt họng như bà C. có thể gây nấm họng nếu không súc miệng kỹ.

Bệnh hen nếu không được điều trị đúng và đầy đủ thì bệnh sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ ít cơn hen đến nhiều cơn hen trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng ngày càng xấu đến hệ hô hấp và gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Thực tế, căn bệnh này đã khiến rất nhiều trẻ em phải nghỉ học dài ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, người lớn phải nghỉ làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động và kinh tế xã hội. Chưa kể chi phí để nhập viện và điều trị nhiều lần vì bệnh hay tái phát cũng rất tốn kém.

Để dự phòng hen suyễn, bác sĩ Trần Thị Bích Liên khuyến cáo, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các nhân tố gây bất lợi cho bệnh như hút thuốc lá, môi trường khói bụi, các chất khử mùi, các loại dầu thơm... Cần vệ sinh môi trường sống thoáng khí, sạch sẽ, tránh bụi bẩn. Không nên tiếp xúc với vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim... vì lông của chúng có thể làm cho cơn hen nặng lên. Giữ ấm cho cơ thể, khi đi ra ngoài cần có khăn che mũi, miệng để tránh khói bụi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần thực hiện một lối sống lành mạnh bằng việc nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ vitamin A và vitamin C sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước; đồng thời chú ý tiêm phòng bệnh cúm hằng năm.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc