Multimedia Đọc Báo in

Điều trị phơi nhiễm vi rút HIV càng sớm càng tốt

08:11, 02/01/2024

Phơi nhiễm (exposure) là khái niệm để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc, hay vết thương hở với máu, các mô, dịch cơ thể khác có khả năng gây bệnh.

Theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là một thuật ngữ được dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu và mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn tới nguy cơ lây nhiễm HIV.

Các trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV: Khi làm các thủ thuật y tế như tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm bị kim đâm vào; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc hay đâm vào gây ra chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hay chất dịch của bệnh nhân bị vỡ đâm vào; máu hoặc dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc: mắt, mũi, họng; bị người khác dùng bơm kim tiêm đã qua sử dụng có máu và có chứa vi rút HIV đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ như công an, bác sĩ... cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm; khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su phòng ngừa.

Trên thực tế, không phải trường hợp nào bị phơi nhiễm HIV cũng sẽ bị nhiễm HIV. Điều này sẽ phụ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của hành vi đó. Khi gặp trường hợp rủi ro, việc xử trí sau phơi nhiễm là rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, giúp nạn nhân và người thân hạn chế được nguy cơ lây nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Quy trình xử lý tại chỗ phải đảm bảo nguyên tắc sau: Rửa sạch vết thương dưới vòi nước bao gồm cả vết thương chảy máu hoặc khi máu, dịch cơ thể bắn vào niêm mạc, khi các vết thương bị chảy máu cần để máu chảy tự nhiên trong thời gian ngắn, không cố gắng nặn máu hay chà xát vết thương, rửa bằng nước sạch, xà phòng hoặc các nước sát trùng, nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và được điều trị dự phòng phơi nhiễm. Trường hợp bị bắn vào mắt, mũi, miệng bề mặt da nhanh chóng dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để ngâm mắt, xịt mũi, súc miệng trong vòng 5 phút, nếu bề mặt da không có tổn thương thì chỉ cần rửa sạch.

Điều trị phơi nhiễm HIV có liệu trình uống thuốc ARV 28 ngày theo phác đồ của Bộ Y tế. Thường những bệnh nhân nghi phơi nhiễm đến với các cơ sở y tế sẽ được dùng thuốc trong 3 ngày đầu để theo dõi tác dụng phụ, cho làm xét nghiệm trước khi dùng thuốc để đánh giá xem bệnh nhân trước đó có bị nhiễm HIV hay không. Sau đó sẽ được kê đơn cho 25 ngày tiếp theo để đủ liệu trình điều trị phơi nhiễm 4 tuần, sau đó sẽ được tái khám lại và hẹn bệnh nhân sau 3 tháng xét nghiệm lại để kiểm tra tình trạng nhiễm HIV. Trong quá trình điều trị phơi nhiễm, bệnh nhân sẽ được tư vấn về hiệu quả của dự phòng, thông tin về tác dụng phụ của thuốc. Trong thời gian điều trị, nếu người được điều trị gặp tác dụng phụ gì hoặc không dung nạp được thuốc, nôn ói nhiều…, cần quay lại cơ sở điều trị để điều chỉnh thuốc hoặc có thể thay đổi phác đồ điều trị.

Việc điều trị này cần tiến hành càng sớm càng tốt và tối đa không quá 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm, bởi sau 3 ngày, việc điều trị không còn tác dụng. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV có hiệu quả bảo vệ rất cao lên đến 90 - 95% trong vài giờ đầu và duy trì trong khoảng 72 giờ tính từ thời điểm phơi nhiễm; hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi tiếp xúc với yếu tố phơi nhiễm.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc