Đề phòng lao phổi tái phát
Đã điều trị khỏi bệnh lao nhưng sau một thời gian, nhiều bệnh nhân phải tiếp tục nhập viện điều trị trở lại vì tái phát lần hai, lần ba. Điều này không những làm sức khỏe của bệnh nhân bị ảnh hưởng mà còn khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn nếu bệnh nhân bị tái nhiễm lao kháng thuốc.
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 1.050 bệnh nhân mắc lao, đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân mắc mới và tái phát, tái nhiễm gia tăng nhiều.
Theo bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, hằng năm ước tính tại Việt Nam có khoảng 176 người/100.000 dân mắc bệnh lao. Với con số này, hằng năm tại Đắk Lắk sẽ có trên 3.500 trường hợp mắc bệnh lao. Song, mỗi năm Chương trình phòng, chống lao của tỉnh chỉ phát hiện khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh.
Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị còn rất nhiều, là nguồn lây lớn rất nguy hiểm. Vì môi trường sống còn nguồn lây lớn, bất kỳ lúc nào người bệnh cũng có thể hít phải vi khuẩn lao nên có không ít trường hợp bệnh nhân tái nhiễm bệnh lao.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc khiến vi khuẩn lao không được tiêu diệt hoàn toàn và gây bệnh trở lại.
Phát hiện mắc bệnh lao vào năm 2020, anh N.T.T. (trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) tiếp nhận điều trị trong 6 tháng. Anh uống thuốc đều đặn, tuân thủ phác đồ của bác sĩ và được xuất viện khi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Tuy nhiên, mới đây anh xuất hiện các cơn ho trở lại, tức ngực khó thở, đi khám thì phát hiện bị mắc lao lần hai.
Anh N.T.T. chia sẻ: “Lần mắc bệnh thứ hai này, tôi cảm thấy bệnh tình nặng hơn rất nhiều, sút cân nhanh, người lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, xanh xao, gầy xọp. Những cơn ho dai dẳng hơn khiến cả đêm không ngủ được, ngực đau rát, khó thở. Thật sự tôi cũng chủ quan nghĩ rằng bản thân đã từng chữa khỏi bệnh lao từ 4 năm trước, đợt ho lần này chỉ là ho thông thường, uống thuốc vào là khỏi nên không đi khám sớm, chỉ đến khi cơ thể không còn sức mới đi khám thì không ngờ lại bị mắc bệnh lao lần thứ hai”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc lao tái phát đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật |
Còn anh P.Đ.D. (trú huyện Ea Kar) cũng phải nhập viện điều trị lần thứ ba vì lao tái phát. Mắc bệnh lần đầu vào năm 2021, sau khi điều trị khỏi bệnh thì một năm sau anh lại bị tái phát. Anh D. tiếp tục nhập viện điều trị đến khi khỏi bệnh.
“Những tưởng bản thân đã hoàn toàn khỏe mạnh, vừa qua tôi lại xuất hiện các đợt ho khan kéo dài. Kết quả xét nghiệm tôi lại bị nhiễm lao lần ba. Việc bệnh lao tái nhiễm nhiều lần khiến tôi rất mệt mỏi cả về tinh thần lẫn sức khỏe. Tôi nghe các bác sĩ nói nếu tái nhiễm nhiều lần có thể khiến bệnh nặng hơn, trở thành lao kháng thuốc điều trị khó khăn nên tôi rất lo lắng”, anh D. bộc bạch.
Bác sĩ Châu Đương cho biết, bệnh nhân mắc lao tái phát sẽ nguy hiểm bởi nguy cơ kháng thuốc rất cao. Việc điều trị khi mắc lao tái phát trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp.
Bên cạnh đó, chi phí để điều trị cho một trường hợp mắc lao kháng thuốc thường rất cao. Nếu như trường hợp mắc lao thông thường, chi phí điều trị khoảng 10 triệu đồng thì với lao kháng thuốc, chi phí này có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Chưa kể những tổn hại về sức khỏe mà người bệnh phải gánh chịu suốt đời. Vì vậy, mỗi bệnh nhân lao phổi đã điều trị khỏi luôn được các bác sĩ căn dặn chú ý để tránh lao tái phát.
Để phòng bệnh lao tái nhiễm hoặc tái phát, bác sĩ Châu Đương khuyến cáo người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, nên phát hiện sớm nguồn lây chính trong cộng đồng và điều trị triệt để bằng các phác đồ hiệu quả trong 6 tháng. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn đúng và đủ theo thời gian quy định tới khi khỏi hoàn toàn.
Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ giúp xác định xem có tiềm ẩn vi khuẩn lao trong cơ thể hay không, tư vấn biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát phù hợp.
Đồng thời, cần tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, tăng cường sức đề kháng, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể.
Ngọc Lan - Mai Lê
Ý kiến bạn đọc