Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống bệnh dại chó, mèo: Cần nâng cao nhận thức của người dân

08:37, 27/03/2024

Đắk Lắk là địa phương có số ca mắc bệnh dại trên chó, mèo đứng thứ ba cả nước. Do đó, cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bệnh dại có chiều hướng tăng

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 4 năm qua (2021 - 2024), tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo ở Đắk Lắk có chiều hướng gia tăng, từ 9 con chó nghi mắc bệnh dại năm 2021 tăng lên 29 con vào năm 2023. Riêng trong ba tháng đầu năm 2024, đã có 8 con chó mắc bệnh dại, đứng thứ ba trên cả nước và đã có 4 người tử vong do nhiễm vi rút dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan, không đi tiêm phòng vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn.

Đặc biệt, qua công tác giám sát dịch bệnh trên đàn chó, mèo ở các địa phương cho thấy, vi rút dại còn lưu hành nhiều. Đơn cử như trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 40 mẫu để giám sát bệnh dại ở chó, mèo, thì trong đó có 24 mẫu dương tính với bệnh dại, chiếm tỷ lệ 60%. Từ tháng 1/2024 đến nay, đã lấy 8 mẫu, trong đó có 5 mẫu dương tính với vi rút dại, chiếm 62,5%. Vì vậy bệnh dại có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới tại các địa phương và gây tử vong trên người là rất cao.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Huyện Cư Kuin là một trong những địa phương có đàn chó, mèo lớn và xảy ra nhiều ổ bệnh dịch dại. Toàn huyện có 17.465 con chó, mèo, các hộ nuôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 65% tổng đàn). Từ năm 2021 đến nay, địa phương xảy ra 3 ổ dịch (ở các xã Ea Hu, Ea Ktur, Ea Tiêu), với 3 con chó nghi dại, tiêu hủy 7 con. Trước tình hình dịch bệnh dại tại địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; thành lập các tổ đến từng nhà tiêm phòng cho đàn chó, mèo; vận động người dân tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng dại năm 2023 cũng chỉ đạt 35% tổng đàn do tập quán nuôi thả rông chó, mèo của người dân, nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại cho đàn vật nuôi chưa cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

“Các địa phương cần xây dựng các tổ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vừa phổ biến, tuyên truyền về bệnh dại và các quy định trong lĩnh vực thú y đối với động vật nuôi, vừa vận động người dân tiêm phòng vì nếu không có biện pháp kịp thời sẽ nguy hại đến tính mạng người dân" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn.

Theo đánh giá của ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng là do một số địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại còn thấp, năm 2023 chỉ đạt trung bình hơn 37% tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh; công tác tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định…

Áp dụng chế tài để nâng cao ý thức

Đắk Lắk hiện có 185.211 con chó, mèo. Năm 2024, ngân sách tỉnh chi mua vắc xin tiêm phòng cho đàn chó, mèo thuộc đối tượng ưu tiên là 40.853 liều, còn lại vận động xã hội hóa. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, để kịp thời triển khai chống dịch hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 2.500 liều vắc xin phòng dại cho các địa phương xảy ra dịch để tiêm bao vây. Tuy nhiên, là tỉnh có diện tích lớn, việc quản lý cũng như tiêm phòng dại đàn chó, mèo hết sức khó khăn.

Đơn cử như huyện Krông Búk, toàn huyện có khoảng 8.000 con chó, mèo. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã có một người chết do bị chó dại cắn. Mặc dù đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên động vật nuôi nhưng công tác quản lý, tiêm phòng gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là ý thức của người dân chưa cao, việc nuôi chó, mèo phần lớn thả rông và rất chủ quan, lơ là trong phòng bệnh dại. Ngoài ra, người dân thường nuôi chó ở rẫy để canh giữ tài sản nên khi lập danh sách để tiêm phòng thì chủ nuôi ở địa phương khác, chó lại nuôi ở địa phương khác dẫn đến việc phối hợp để triển khai thực hiện rất khó.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Mặc dù chế tài đã có (Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, sau này được sửa đổi ở Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020), nhưng việc xử lý chưa được áp dụng. Đây cũng là tình trạng chung trong toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đỗ Xuân Dũng đề nghị UBND cấp huyện và UBND cấp xã, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cần thực nghiêm chế tài xử lý vi phạm. Đối với việc nuôi chó, mèo không đúng quy định và gây ra hậu quả, đề nghị cơ quan chức năng xem xét và có thể truy xét trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi theo đúng quy định nhằm răn đe các hành vi vi phạm. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống bệnh dại và cũng cần xử lý nghiêm khắc với những địa phương lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; rà soát bổ sung các văn bản liên quan đến lĩnh vực thú y đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.