Ứng dụng kỹ thuật cao trong can thiệp tim mạch: Thêm cơ hội sống cho người bệnh
Trong những năm qua, Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã được trang bị đầy đủ thiết bị cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm trong cấy máy tạo nhịp tim, mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân không có điều kiện khám, điều trị ở tuyến trên.
Tuổi đã ngoài 80, cộng thêm tiền sử tăng huyết áp, nhịp tim chậm, thận mạn giai đoạn 3, bệnh nhân B.C.K. (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đến hiện tại vẫn chưa dám tin mình vừa thoát “cửa tử” trong gang tấc.
Đầu tháng 5/2024, ông K. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng nhịp tim chậm, khó thở, ngất, người tím tái. Chỉ trong vòng 30 phút sau khi nhập viện, ông K. đã ngưng tim ba lần.
Trước tình hình trên, phòng thông tim của Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch đã được khởi động khẩn cấp để cấy máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu cho bệnh nhân. Với chẩn đoán block nhĩ thất cấp III (một dạng rối loạn nhịp chậm nguy hiểm), hở van 2 lá nặng, suy tim, trong quá trình cấy máy tạo nhịp tim, bệnh nhân liên tục có những đợt ngưng tim, các bác sĩ phải tiến hành song song việc cấy máy tạm thời và cấp cứu ngừng tim ngay trên bàn can thiệp. Nhờ vậy, sau 7 ngày điều trị, sức khỏe của ông K. đã ổn định.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau khi được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Trước đó không lâu, Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch cũng đã cứu sống kịp thời bệnh nhân L.T.Đ. (93 tuổi, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Bệnh nhân Đ. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng nhịp tim chậm, chóng mặt, có tiền sử suy tim, tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi. Sau khi vào viện, bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp tim tạm thời, tiếp theo bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều trị về lâu dài. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân Đ. đã ổn định.
Thạc sĩ, bác sĩ Cù Nhật Quý, trưởng ekip cấy máy tạo nhịp tim (Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch) cho hay, đây là hai ca bệnh điển hình và là những ca bệnh khó đã được Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch kịp thời xử trí. Đối với bệnh nhân K., các bác sĩ đã vận dụng tất cả kiến thức và kỹ năng của mình để đưa bệnh nhân qua những thời điểm rất nguy hiểm và đạt kết quả điều trị tối ưu. Đây là một trong những ca bệnh khó mà khoa đã cứu chữa thành công sau nhiều lần ngưng tim, người bệnh có nhiều bệnh nền, tắc tĩnh mạch dưới đòn trái và lớn tuổi. Từ khi Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch được thành lập đến nay, chưa gặp trường hợp nào tương tự. Với bệnh nhân Đ., bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, nguy cơ tử vong là rất cao nếu không được xử trí kịp thời.
Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân tử vong thường gặp trong các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời tránh bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị. Hiện tại, Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch tiếp nhận rất đông bệnh nhân tại các tỉnh thành lân cận như Đắk Nông, Gia Lai đến điều trị… Đây được xem là tín hiệu vui trong công tác khám chữa bệnh của Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch nói riêng và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nói chung với mục đích cuối cùng là kịp thời cứu chữa cho người bệnh, giúp người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên để thực hiện các kỹ thuật này.
Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho người bệnh. |
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim cấp cứu có ý nghĩa trong níu giữ sinh mệnh của người bệnh, là kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực can thiệp tim mạch. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là một trong rất ít các cơ sở y tế tại Tây Nguyên triển khai được kỹ thuật này. Do đó, trước đây, hầu hết các bệnh nhân đều được chuyển tuyến đến các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để được can thiệp, cấy máy tạo nhịp tim. Chi phí cho mỗi ca cấy máy tạo nhịp tim không có bảo hiểm y tế rất cao, từ 60 - 70 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Từ khi thành lập đến nay, Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch đã triển khai kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim điều trị các rối loạn nhịp chậm, cấy máy khử rung nhằm giúp quá trình điều trị của bệnh nhân được thuận lợi và giảm chi phí điều trị. Mỗi năm bệnh viện đã thực hiện cấy máy tạo nhịp tim cho hàng chục ca bệnh.
“Trong tháng 5/2024, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ phối hợp với chuyên gia đầu ngành tổ chức hội nghị chuyên sâu về can thiệp tim mạch và tổ chức điều trị, can thiệp cho những ca bệnh tim mạch khó nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, nâng cao năng lực chuyên môn của bệnh viện” – bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp thông tin thêm.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc