Multimedia Đọc Báo in

Ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh trong học đường: Chủ động từ sớm, từ xa

08:18, 17/09/2024

Thời điểm này, học sinh toàn tỉnh đã bước vào năm học mới 2024 – 2025, đây cũng là thời điểm giao mùa, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ gia tăng và lây lan diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch trong học đường.

Phòng bệnh từ sớm, từ xa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), khoảng 600 trường hợp mắc tay chân miệng; 26 trường hợp mắc ho gà và 26 trường hợp mắc sởi.

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, đặc biệt là trong thời điểm tựu trường, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã; các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng thiết bị, thuốc, hóa chất phòng, chống bệnh SXH, tay chân miệng. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Giáo viên hướng dẫn trẻ mầm non cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.

Trước đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, ngay từ đầu tháng 8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác y tế trường học năm 2024 cho cán bộ y tế thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ là chuyên viên công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo; phòng giáo dục và đào tạo; nhân viên y tế trong nhà trường cấp THCS và THPT trong toàn tỉnh. Thông qua đó giúp cán bộ y tế của các đơn vị nâng cao trình độ, năng lực triển khai thực hiện công tác y tế học đường; triển khai tốt phòng, chống các bệnh tật, phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu cho cán bộ, giáo viên.

Ngành y tế và giáo dục cũng đã phối hợp thực hiện tốt việc vệ sinh trường và lớp học, nhất là tại các trường mầm non và tiểu học.

Đơn cử như tại Trường Mầm non tư thực Hoa Phượng (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), ngoài quét dọn sân trường, lớp học, việc vệ sinh sàn nhà, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, kiểm tra lại các thiết bị chuyên dùng cho nhà bếp, nhà ăn cũng luôn được chú trọng.

Bà Dương Thị Ái Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trẻ mầm non là đối tượng thể chất khá yếu ớt, dễ bị lây chéo các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng, sởi… Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, nhà trường tổ chức dọn dẹp vệ sinh định kỳ vào thứ Bảy hằng tuần, tiến hành phun thuốc xịt muỗi 2 lần/tuần. Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục thể chất để rèn luyện trẻ có thể lực tốt.

Không chủ quan với dịch bệnh

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc cho biết, ngoài SXH hiện đang trong mùa dịch thì một số bệnh như thủy đậu, tay chân miệng, sởi… là những bệnh thường gặp nhất, trong đó, đáng lưu ý là ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học vào đầu năm học mới là rất cần thiết để kịp thời phát hiện, có biện pháp thích hợp tránh để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Do đó, các trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ và làm theo hướng dẫn của ngành y tế để nhanh chóng xử trí các tình huống khi dịch bệnh xảy ra ngay tại cơ sở.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ là một trong những biện pháp giảm nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm trong học đường.

Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như thủy đậu, sởi, ho gà…, các phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ. Nếu thấy cần thiết, phụ huynh cũng cần tiêm ngừa phòng bệnh cho mình, tránh lây cho con. Tiêm vắc xin phòng bệnh sớm là biện pháp hiệu quả nhất và phải được thực hiện trước khi xảy ra dịch. Một số phụ huynh thường mắc phải sai lầm là đưa bé đi tiêm vắc xin khi thấy xung quanh có nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm muộn như vậy hiệu quả sẽ càng giảm, vì có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh.

Đối với những bệnh chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu như bệnh tay chân miệng và SXH, cách phòng tránh tốt nhất là vệ sinh tốt bề mặt môi trường; thường xuyên làm sạch đồ chơi; rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hay người lớn làm vệ sinh cho trẻ.

Đặc biệt là đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo cần phải theo dõi thường xuyên xem trẻ có biểu hiện mắc tay chân miệng hay không. Nếu có, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời cho trẻ.

Riêng đối với SXH, các trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình; kiểm tra thường xuyên để phát hiện, xử lý ngay các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh trong trường học; theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, học sinh, trẻ em và thông báo kịp thời ngay cho y tế địa phương khi phát hiện người bị bệnh SXH, phối hợp xử lý ổ dịch…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc