Ứng phó với dịch sởi:
Đẩy mạnh tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng
Sau 3 năm liên tục (2021 – 2023) không ghi nhận ca mắc sởi thì từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 98 trường hợp mắc sởi, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023.
Cung ứng vắc xin phòng sởi còn chậm
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lê Phúc cho biết, trong nhiều năm qua, Đắk Lắk đã duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng sởi đạt trên 90% và không ghi nhận ca mắc sởi. Trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 98 ca mắc sởi, tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk với 60 ca mắc.
Người bệnh chủ yếu ở nhóm từ 1 - 4 tuổi, chiếm tỷ lệ 58,2%. Trong số các ca mắc bệnh, có đến 65,3% chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Nhiều cơ sở thu dung, điều trị đang tiếp nhận hàng chục ca mắc sởi tiềm ẩn nguy cơ lây chéo như Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên 51 ca, Trung tâm Y tế huyện Lắk 24 ca, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột 20 ca…
Dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi trên phạm vi toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã đạt 55,3%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng dự báo trong những tháng cuối năm 2024, dịch sởi vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ xâm nhập và lan rộng ra cộng đồng.
Bệnh nhi mắc sởi được chăm sóc và theo dõi tại cơ sở y tế. |
Theo chia sẻ của bác sĩ Lê Phúc, ngay từ khi ghi nhận ca bệnh sởi đầu tiên, ngành y tế đã duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến điều trị, phòng khám trên địa bàn toàn tỉnh. Khi có những trường hợp nghi ngờ tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định chẩn đoán, phản hồi ca bệnh, theo dõi và thực hiện báo cáo tất cả các trường hợp bệnh theo quy định.
Cùng với đó, điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi – rubella trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai tiêm bù.
Tuy nhiên, việc quản lý đối tượng tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng hiện gặp khó khăn do không tách hoặc cập nhật được các đối tượng trong tiêm chủng mở rộng sử dụng vắc xin tiêm chủng dịch vụ, vẫn còn "vùng lõm" tiêm chủng tại các xã vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, hoạt động cung ứng vắc xin trong thời gian qua từ các nhà sản xuất vẫn còn chậm, chưa bảo đảm tiêm chủng đạt theo kế hoạch đề ra.
Không để bùng dịch và quá tải
Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất.
Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên.
Như vậy, tại Đắk Lắk đã có 33/184 xã, phường ghi nhận có bệnh nhân sởi, chiếm tỷ lệ 17,9%; số huyện có từ 2 xã trở lên ghi nhận có bệnh nhân sởi là 8/11 huyện, chiếm tỷ lệ 72,7% đủ các điều kiện để công bố dịch sởi.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột |
Tại buổi làm việc giữa Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Sở Y tế Đắk Lắk về công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ, bác sĩ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhận định, với số lượng bệnh nhân mắc sởi liên tục gia tăng trong thời gian qua cho thấy bệnh sởi sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong tháng 9 và tháng 10 sắp tới. Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk cần chú trọng hai địa bàn ghi nhận số trường hợp mắc sởi cao là TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk.
Để công tác phòng, chống bệnh sởi đạt hiệu quả, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị ngành y tế tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, vệ sinh môi trường, đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, các bệnh viện cần bảo đảm công tác điều trị, không để xảy ra tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo.
Trong cuộc họp khẩn bàn phương án công bố dịch sởi trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cũng cho rằng công bố dịch sởi sẽ thuận lợi hơn trong công tác phòng, chống dịch vì sẽ huy động được mọi nguồn lực để tham gia chống dịch.
Trước mắt, để bệnh sởi không lây lan diện rộng, hạn chế lây lan trong bệnh viện và không có ca tử vong do sởi, bác sĩ Nay Phi La đề nghị các đơn vị điều trị và dự phòng kích hoạt ngay công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, giường bệnh, dịch truyền, nhân lực, thuốc, sinh phẩm, hóa chất, sẵn sàng các phương án về cách ly, điều trị trong tình huống có thêm người mắc.
Giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, không để lan rộng…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc